CTCK khuyến nghị phòng thủ danh mục cổ phiếu cho nửa cuối năm 2025
Mức chênh lệch gần 140 điểm giữa VN-Index và VN30-Index đang là yếu tố đáng lưu ý. Thị trường tăng chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VN30, khiến rủi ro điều chỉnh gia tăng khi áp lực chốt lời xuất hiện.
![]() |
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Kết phiên 14/7, VN-Index nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 7, chốt tại 1.470 điểm, với thanh khoản đạt 33.700 tỷ đồng. Hiện chỉ số chỉ còn cách đỉnh lịch sử (1.524 điểm hồi tháng 4/2022) khoảng 50 điểm.
Một số công ty chứng khoán lạc quan dự báo VN-Index có thể thử thách mốc 1.500 điểm ngay trong tháng 7. Dù vậy, vùng 1.460–1.470 điểm đang trở thành ngưỡng kháng cự gần của chỉ số.
Ngoài ra, mức chênh lệch gần 140 điểm giữa VN-Index và VN30-Index cũng là yếu tố đáng lưu ý. Thị trường tăng chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là VN30, khiến rủi ro điều chỉnh gia tăng do áp lực chốt lời tại các mã trụ.
Công ty Chứng khoán ACBS mới đây công bố báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối 2025, trong đó nhấn mạnh hai rủi ro lớn chi phối kinh tế toàn cầu là xung đột địa chính trị – thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt khi nợ công gia tăng.
Sự kiện áp thuế quan ngày 2/4/2025 do chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng đã khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,8%, OECD cũng giảm về 2,9%. ACBS cho rằng rủi ro lớn nhất là “sự không chắc chắn trong quyết sách” của ông Trump – yếu tố có thể kéo dài suốt nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn toàn cầu có xu hướng tìm đến tài sản an toàn (vàng, quỹ tiền gửi ngắn hạn) hoặc thị trường có định giá hấp dẫn như Nhật Bản, Đức. Đồng USD suy yếu tương đối, song lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn cao do lo ngại nợ công.
Với Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, nền tảng tăng trưởng vẫn vững nhờ chính phủ đẩy mạnh cải cách, khuyến khích khu vực tư nhân, thúc đẩy công nghệ – AI và hội nhập thương mại. Dù vậy, một số tổ chức quốc tế hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2025, riêng IMF hạ xuống 5,2%, còn ACBS điều chỉnh về 6,5–7% (từ 7–7,5%).
Trên thị trường chứng khoán, tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vẫn đang tiến triển. ACBS kỳ vọng Việt Nam có thể được FTSE công nhận trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 nhờ việc áp dụng Non-prefunding và vận hành hệ thống KRX.
Với định giá P/E quanh mức -1 độ lệch chuẩn, chỉ số VN-Index được ACBS ước tính dao động trong vùng 1.350–1.500 điểm, thanh khoản có thể tăng 20% so với 2024. Lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp ACBS theo dõi (chiếm 53% vốn hóa HoSE) dự kiến tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Chiến lược đầu tư nửa cuối năm 2025 ưu tiên nhóm ngành ổn định: Ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hóa chất – phân bón, bất động sản dân dụng. Trong khi đó, các nhóm ngành chịu rủi ro từ chính sách thuế quan (dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, logistics, BĐS KCN) cần thận trọng phân bổ tỷ trọng.
Nhận định chứng khoán 15/7: VN-Index chinh phục vùng 1.500 điểm
VN-Index tăng hơn 12 điểm, nhóm bất động sản bất ngờ ‘dậy sóng’