Dù giống nhau về thời điểm VN-Index giảm sâu, các tin tức bắt bớ, chiến tranh, tuy nhiên vẫn có yếu tố quyết định tạo ra sự khác biệt giữa thị trường hiện tại và tháng 4/2022.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/4, VN-Index giảm 18,16 điểm (-1,52%) về 1.174,85 điểm. Thanh khoản đạt 23.682 tỷ đồng, tương đương 1.070 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng 25% so với phiên giao dịch liền trước (ngày 17/4).
Sau 4 phiên giao dịch (từ 15 - 19/4), chỉ số đã giảm 101,75 điểm (-7,97%), quay lại vùng điểm số ngày 19/1, đánh mất thành quả tăng điểm sau 3 tháng.
Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đã nhanh chóng giảm gần 20% giá trị chỉ trong 1 tuần. Nhóm bất động sản: NVL (-18,36%), PDR (-18%), DXG (-21,21%), CEO (-21,33%). Nhóm chứng khoán: VND (-13,9%), VIX (-16,41%), SHS (-16,35%). Nhóm đầu tư công, DPG (-18,28%), VCG (-14,63%), HHV (-17,22%). Nhóm bán lẻ: DGW (-15,88%), PET (-16,19%), PNJ (-11,25%)...
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu trong phiên 19/4 |
Cũng khoảng thời gian này 2 năm trước, tháng 4/2022, VN-Index giảm 125,35 điểm (-8,4%), từng có thời điểm trong tháng chỉ số giảm 228,08 điểm sau đó được rút chân lên. Phiên rơi đầu tiên của thị trường bắt đầu từ ngày 7/4/2022 (trước Giỗ Tổ Hùng Vương 3 ngày).
Đây cũng là tháng đánh dấu VN-Index bước vào nhịp downtrend lớn từ đỉnh hơn 1.500 điểm về dưới 900 điểm.
Một số sự kiện khi ấy, chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022 khiến giá dầu tăng mạnh; VN-Index đã tăng 1 nhịp dài từ đáy Covid-19 ở khoảng 650 điểm; Tin tức bắt bớ liên tục xuất hiện như các vụ Trịnh Văn Quyết (từ 29/3/2022), Tân Hoàng Minh (từ 5/4/2022),...
Ở thời điểm hiện tại cũng có 1 số điểm tương đồng khi VN-Index đã có nhịp tăng tốt từ vùng 1.020 điểm lên gần 1.300 điểm; Xung đột Isarel - Palestine và Isarel - Iran; Một số tin bắt lãnh đạo tại Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn, là 2 doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, xây dựng. Chỉ số cũng có phiên giảm 60 điểm vào ngày 15/4 (trước Giỗ Tổ Hùng Vương 3 ngày).
Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa thời điểm đến từ chính sách tiền tệ. Trong đợt giảm điểm năm 2022, FED bắt đầu vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ, lãi suất điều hành liên tục tăng từ gần 0% giai đoạn tháng 3/2022 lên ngưỡng 5,25 - 5,5% vào cuối năm 2023. Từ đó, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục tăng lãi suất theo. Ngoài ra, thị trường vốn bị thắt chặt, ngân hàng hạn chế cho vay với nhóm ngành bất động sản, đồng thời giảm tăng trưởng tín dụng và ‘bóp’ mảng trái phiếu doanh nghiệp.
Lãi suất của FED đã đạt đỉnh, chính sách tiền tệ bắt đầu được nới lỏng |
Ở thời điểm hiện tại, tuy gặp áp lực tỷ giá USD tăng cao do Việt Nam hạ lãi suất trước FED, khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền gia tăng, nhưng nhìn chung chính sách tiền tệ đang bước vào chu kỳ nới lỏng. FED phát tín hiệu có 3 đợt hạ lãi suất trong năm 2024, giới chuyên gia dự báo rằng, lần hạ lãi suất đầu tiên có thể xảy ra từ tháng 6 sắp tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để nguồn vốn được bơm ra nền kinh tế bằng cách liên tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, gia hạn Thông tư 02... Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định trở lại, trong quý I/2024, lượng trái phiếu nhóm bất động sản phát hành đạt 24.265 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.
>> Xuất hiện thông tin Israel bắt đầu tấn công Iran, giá dầu tăng vọt, cổ phiếu ‘vàng đen’ nổi sóng