Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đang hút mạnh thanh khoản; nhiều mã đã tăng 40 - 100% chỉ trong 1 tháng trở lại đây. Cổ phiếu dầu khí tiếp tục mạch tăng song dòng tiền đã bắt đầu suy giảm.
Nỗ lực sau 14h đã giúp thị trường chứng khoán tăng trở lại 3 điểm; VN-Index vượt mốc 1.075 nhờ sự hỗ lực ở nhóm cổ phiếu bán lẻ và ngân hàng.
Tiền vào nhóm bất động sản và suy giảm ở nhóm dầu khí, khối ngoại bán mạnh EIB
Thanh khoản trên toàn thị trường tăng mạnh với 19.300 tỷ đồng trong đó hơn 16.400 tỷ được mua bán trên sàn HOSE. Giá trị giao dịch ở rổ VN30 vẫn ở mức thấp với gần 5.000 tỷ cho thấy vai trò dẫn dắt thị trường ở nhóm này vẫn chưa được cải thiện.
Dòng tiền tiếp tục giao dịch sôi động ở nhóm bất động sản với giá trị gần 4.100 tỷ đồng - vượt trội so với nhóm chứng khoán (2.260 tỷ) và nhóm ngân hàng (2.050 tỷ).
5 phiên gần đây, thanh khoản giảm dần (từ 10 - 20%) ở các nhóm chứng khoán, dầu khí, dịch vụ tiện ích, thực phẩm - đồ uống song ghi nhận gia tăng ở nhóm hóa chất, tài nguyên, bất động sản, xây dựng và dịch vụ bán lẻ.
Cần nhấn mạnh rằng, hôm nay là ngày cổ phiếu T+2 của phiên thứ 6 tuần trước về tài khoản nhà đầu tư. Xu hướng chốt lời T+ là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường lên cao.
Các cổ phiếu trụ VN30 phân hóa với 13 mã tăng và 10 mã giảm; VCB tiếp tục gồng gánh thị trường với mức tăng 1,5% và góp gần 1,2 điểm cho VN-Index.
Khối ngoại bán ròng trở lại 504 tỷ đồng trên sàn HOSE với HPG, NKG, NVL bị bán từ 1 - 3,4 triệu đơn vị. Cá biệt, EIB của Eximbank bị xả tới 34,4 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị 700 tỷ đồng. Ở chiều mua, VIC và FPT được gom lần lượt 1,9 và 3,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng 6/7 phiên gần nhất trên sàn HOSE |
Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 12 tỷ và 43 tỷ đồng trên các sàn HNX và UPCoM. Tổng giá trị bán ròng phiên hôm nay ở mức 560 tỷ.
Xét theo nhóm ngành:
4 ông lớn ngành bán lẻ/công nghệ là MSN, MWG, DGW cũng nằm trong Top 5 mã ảnh hưởng tích cực nhất thị trường qua đó giúp chỉ số nhóm bán lẻ hôm nay tăng mạnh 1,9%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục giữ nhịp tăng ấn tượng khi hầu hết đều xanh trước giờ đóng cửa (ngoại trừ TLP); OIL, PPY, PVD, BSR, PVB, PVS, PVO, PVC, PCG đều tăng từ 1 - 4,5%. Cổ phiếu PVC với mức tăng 4,5% đã chinh phục thành công mức giá cũ hồi giữa tháng 10/2022 vùng 18.5x.
Nhóm cổ phiếu đầu tư công ghi nhận sự đồng thuận ở các mã VCG, HHV, LCG, FCN, HSG, NKG,... Ấn tượng nhất là sắc tím của FCN kéo thị giá lên mức 15.300 đồng - tăng 38% trong hơn 1 tháng gần đây.
Chỉ số nhóm bất động sản giảm nhẹ trước áp lực điều chỉnh ở VHM và VIC. Ngược lại, các cổ phiếu như PDR, NVL, DXG và hàng loạt mã vốn hóa vừa và nhỏ như DIG, FIT, ITA, QCG, TDH, PXL, CEO, FDC, NRC, NLG,... đều có được niềm vui tăng điểm. Dòng tiền tạo lập vẫn đang hoạt động mạnh qua đó giúp các cổ phiếu TDH - QCG bay cao trong hơn 1 tuần trở lại đây.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG (sau tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề xây trái phép tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh) đã bất ngờ giảm sàn về mức 4.390 đồng/cp; thanh khoản hơn 23 triệu đơn vị - mức cao nhất trong 14 tháng - dư bán sàn cuối phiên gần 4,9 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán phân hóa nhẹ song các mã gây dấu ấn trong thời gian gần đây như VND, BVS, FTS, CTS, SBS, BSI vẫn tăng tích cực, cổ phiếu BSI thậm chí được kéo cận trần.