VNDirect: GDP năm 2022 có thể tăng trưởng 7,5%

30-12-2021 12:25|Vân Vân

Chứng khoán VNDirect dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.

Mới đây, tại họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý IV và cả năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Thống kê cho biết, ước tính GDP cả năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội vì thế tăng trưởng kinh tế quý III bị âm.

“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Ngành vận tải kho bãi giảm 5%. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,7%”, bà Hương cho biết.

Trong quý IV, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%.

Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Năm nay, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05% - đóng góp 63,80% vào GDP 2021 trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, ngành xây dựng tăng 0,63%...

Khu vực dịch vụ chỉ tăng 1,22% - đóng góp 22,23%. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế trong đó ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh nhất với 20,81% so với năm trước; ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21%, vận tải kho bãi giảm 5,02%,... Bù lại, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%; lạm phát ở mức 1,8%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,9%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính năm 2021 đạt 336,25 tỷ USD - tăng 19% so với năm trước trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Cả năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD).

Cả nước có 116.800 doanh nghiệp thành lập mới và gần 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục phục hồi giúp cho thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.523 nghìn tỷ đồng - bằng 113% dự toán năm (tăng 180 nghìn tỷ đồng) trong đó, thu nội địa bằng 110% so với dự toán năm; thu từ dầu thô bằng 197%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122%.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 31,1 tỷ USD - tăng 9,2% so với năm 2020 trong đó vốn đăng ký có 1.738 dự án được cấp phép mới.

Trong năm, có 985 lượt dự án đã được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9 tỷ USD - tăng 40% so với năm trước.

Năm 2021, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước.

Tính đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 26.526 tỷ đồng/phiên - tăng 257,5% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.421 tỷ đồng/phiên - tăng 9,9%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21%.

Tại báo cáo phân tích chiến lược đầu tư năm 2022 vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect công bố, công ty chứng khoán này nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Dự báo GDP năm 2022 có thể tăng trưởng lên tới 7,5%.

Theo đó, các yếu tố nền tảng vĩ mô dự báo sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.

Tính đến ngày 6/12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 56% dân số trong khi khoảng 19,5% đã được tiêm chủng lần một.

Bộ Y tế cho biết, đến đầu tháng 12/2021, Việt Nam đã nhận được khoảng 147,5 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc-xin Sputnik-V trong nước sau khi nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Nga.

Ngoài ra, vắc-xin sản xuất tại Việt Nam, Nanocovax, đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối giai đoạn 3. Covivac đã được thử nghiệm giai đoạn 2 kể từ ngày 18/8/2021.

Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu và tự sản xuất vắc-xin, Việt Nam có thể tăng cường tự chủ về vắc-xin kể từ quý I/2022. Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm 2022.

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Chính phủ và tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào quý I/2022. Với độ phủ rộng rãi của vắc-xin, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022", báo cáo nêu.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị y án chung thân

Vụ chuyến bay giải cứu: Nhận 25 tỷ đồng chỉ nghĩ là cảm ơn, dùng tiền mua chứng khoán và trái phiếu

Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Một cá nhân dùng 25 tỷ đồng tiền nhận hối lộ mua chứng khoán, trái phiếu

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vndirect-gdp-nam-2022-co-the-tang-truong-75-121109.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
VNDirect: GDP năm 2022 có thể tăng trưởng 7,5%
POWERED BY ONECMS & INTECH