Ông được đánh giá là huyền thoại trong giới võ lâm Việt Nam, cung thuật đạt đến mức dễ dàng bắn hạ chim đang bay và được mệnh danh là "Anh hùng xạ điêu" đất Việt.
Cung thủ tài năng
Tên tuổi của Cử Tốn (1861 – 1949) trong giới võ lâm Việt Nam nổi danh không kém Hoàng Phi Hồng của Trung Quốc bởi nhiều giai thoại ly kì gắn liền với cuộc đời cụ. Với khả năng cung thuật đang đến mức thượng thừa, ông được xem là “Anh hùng xạ điêu” phiên bản Việt.
Võ sư Cử Tốn tên thật là Nguyễn Đình Trọng, người vùng Tây Hồ (Hà Nội) hiện nay. Ông sinh ra trong dòng họ võ tướng, dòng dõi với võ tướng Nguyễn Đình Tùng, người từng đỗ thủ khoa kỳ thi Đình dưới thời nhà Nguyễn.
Năm 18 tuổi ông đỗ kỳ thi Hương (cử võ) sau đó cũng đoạt luôn ngôi đầu kỳ thi Hội (Phó bảng võ). Đáng tiếc là đến kỳ thi Đình, do gia đình có chuyện buồn nên ông phải xin về quê, không thi nữa. Tuy nhiên, tài năng của cụ Cử Tốn đặc biệt là khả năng bắn cung, đã sớm được truyền đến tai vua Tự Đức.
Sở dĩ ông được ví như “Anh hùng xạ điêu” phiên bản Việt bởi trong cuộc thi bắn cung Cửu Phụng trước Nghị Tiềm do vua Tự Đức tổ chức, dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm song Cử Tốn đã rất bình tĩnh để bắn liền một lúc 9 mũi tên trúng hồng tâm. Khả năng bắn cung chuẩn xác và cực nhanh của ông đã khiến tất cả, trong đó có vua Tự Đức phải nể phục. Sau đó, vua liền phong cho ông danh hiệu “Xạ năng quán quốc”.
Cũng theo một số tư liệu ghi lại, thực dân Pháp từng muốn thử thách Cử Tốn bằng cách chỉ lên con chim đang đậu trên cây, yêu cầu bắn trúng. Ông chưa kịp bắn, chúng đã rung cây cho cho chim bay. Thế nhưng, chiêu trò này của thực dân Pháp không làm khó được Cử Tốn. Vị võ sư tài năng vẫn kịp bắn hạ con chim được chỉ định.
Không chỉ giỏi cung thuật, Cử Tốn còn tinh thông võ thuật, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, trong đó thương thuật của ông cũng đã đạt đến mức ‘không đối thủ’.
Tài trí hơn người
Sau này khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Cử Tốn lúc đó không còn làm quan mà đã lui về, mở lò võ ở quê. Một lần, ông quyết định cùng các học trò đánh chiếm lương thực đang trên đường vận chuyển. Trong quá trình đánh nhau ác liệt, ông bị thương nặng ở chân rồi sau đó bị thọt.
Thực dân Pháp sau quá trình điều tra, bắt đầu nghi ngờ rằng lò võ của cụ Cử Tốn có thể liên quan đến các vụ cướp lương thảo. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng đối với họ, lò võ này là nơi hội tụ của những nhân vật kỳ tài. Vì thế quân Pháp tìm mọi cách để đối phó, dẹp lò võ với hy vọng Hà Nội sẽ không còn là "vườn ươm mầm hoạ".
Từ đó, một đấu trường đẫm máu đã được dựng lên, kêu gọi các võ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam thi đấu. Pháp treo thưởng cho ai đánh hạ được thầy trò Cử Tốn thì sẽ được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và được trọng đãi hậu hĩnh sau này.
Trước âm mưu này của thực dân Pháp, Cử Tốn đã nghĩ ra 1 kế sách vẹn toàn. Theo đó, để phô trương thanh thế trước bọn thực dân, cụ đã cho các môn sinh của mình diễn lại tích “Võ Tòng đả hổ” ngay trước mặt quần chúng.
Ngày ấy, ở sở thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi rất hung dữ. Con hổ to lớn, hễ thấy người là lồng lên như muốn ăn tươi nuốt sống. Cụ Tốn đã cử đệ tử của mình là võ sư Mùi Đen lên đài.
Trước mặt của quần chúng và đám sĩ quan Pháp, võ sư Mùi Đen “quần thảo” với con hổ vô cùng ác liệt, sau 1 giờ võ sư Mùi Đen đã khiến con cọp đực cụt đuôi gãy cổ bằng 1 đòn chí mạng. Không chỉ “xử” con cọp đực, ông còn bẻ gãy 4 chân của 1 con cọp cái khác khiến quần hùng không ngớt vỗ tay tán thưởng, còn phe thực dân thì được phen muối mặt. Có người còn gọi võ sư Mùi Đen là “sư phụ của Võ Tòng” vì cùng lúc khiến 2 "con hổ" đau đớn.
Vị võ sư tài năng này còn được biết đến với tinh thần thượng võ và lòng yêu nước sâu sắc. Ông thường sử dụng võ thuật để bảo vệ dân lành, chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông tham gia dạy võ cho quân dân và cũng là người thầy dạy võ của nhiều thế hệ, trong đó có võ sư Nguyễn Văn Nhân, người đã khởi xướng môn phái Thăng Long Võ Đạo hiện đại.
Lời tiên tri ứng nghiệm của Gia Cát Lượng về cuộc đời của Võ Tắc Thiên khiến hậu thế ngỡ ngàng
Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam là 'hoàng hậu hai triều'