Nhân vật

'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Nam Trần 05/03/2024 - 10:16

Với tài năng kiệt xuất, lại được Trần Quốc Tuấn rèn cặp, tin cậy gả con gái là quận chúa Anh Nguyên, nhân vật này đã mau chóng trở thành vị tướng xuất sắc trong triều đại nhà Trần.

Xuất thân nông dân, đan sọt để kiếm sống

Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn, ông là cháu tám đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện bản lĩnh khác thường, tính khí khẳng khái, không ham danh lợi mà chỉ mong lập công danh rạng rỡ non sông.

Giai thoại kể rằng, trong một lần Hưng Đạo Vương có việc phải đi qua vùng đất Phù Ủng thì bắt gặp Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường, mải nghĩ về cuốn sách Binh thư nên không biết quan quân đi qua. Một người lính dẹp đường quát mãi mà chàng trai đan sọt vẫn cứ ngồi yên, bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, vậy mà Phạm Ngũ Lão không hề có phản ứng gì.

Giáo đâm thủng, đùi không kêu

Giáo đâm thủng, đùi không kêu

Hưng Đạo Đại Vương thấy lạ liền sai người lấy thuốc đắp vết thương cho ông đồng thời dò hỏi ông về việc quân Nguyên Mông sắp tiến vào Đại Việt. Tất cả câu hỏi Phạm Ngũ Lão đều trả lời rành mạch. Hưng Đạo Vương vô cùng ấn tượng với chàng trai trẻ này và mở lời chiêu mộ ông về dưới trướng của mình.

Sau khi về kinh đô, Hưng Đạo Vương tiến cử Phạm Ngũ Lão lên Triều đình, trao cho ông chức cai quản quân Cấm vệ. Quân Cấm vệ biết ông là nông dân thì không phục bèn xin tâu được cùng ông thử sức. Phạm Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin về quê 3 tháng. Hết hạn, ông trở về cấm thành, cùng các vệ sĩ so tài. Nhìn vào cách ông di chuyển, tấn công và phòng thủ, xem ra sức có thể địch nổi cả vài chục người. Từ đó, những người lính Cấm vệ vô cùng bái phục Phạm Ngũ Lão.

Một tài năng quân sự xuất chúng, một nhà thơ yêu nước

Được làm việc dưới trướng của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão nhanh chóng phát huy được tài năng quân sự của mình, lập được nhiều chiến công hiển hách. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai vào năm 1285, Phạm Ngũ Lão đương giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc. Ông đã đem quân phối hợp với các cánh quân của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đánh cho giặc đại bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Sau đó, Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích, đánh úp cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. Tên Thoát Hoan phải trà trộn vào đám tàn quân mới thoát về nước và không dám đặt chân lên Đại Việt thêm lần nào nữa.

Phạm Ngũ Lão truy sát giặc Thoát Hoan

Phạm Ngũ Lão truy sát giặc Thoát Hoan

Phạm Ngũ Lão, vị tướng mà giặc Nguyên Mông phải khiếp sợ, khi đó mới ngoài 30 tuổi. Uy danh của Phạm Ngũ Lão vang danh khắp cõi trời Nam, khiến kẻ thù khiếp sợ, khâm phục.

Với tài năng kiệt xuất, lại được Trần Quốc Tuấn rèn cặp, tin cậy gả con gái là quận chúa Anh Nguyên, Phạm Ngũ Lão đã mau chóng trở thành vị tướng xuất sắc trong triều đại nhà Trần. Những năm sau đó, ông còn được giao chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng, nhiều lần dẫn quân trừng phạt sự xâm lược, quấy nhiễu của Ai Lao và Chiêm Thành. Trận đánh nào ông cũng giành chiến thắng nên được gọi là vị tướng bách chiến bách thắng.

Mặc dù chuyên lo việc quân thế nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn “thích đọc sách, ngâm thơ”. Ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán, thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và tinh thần anh hùng. Tiếc là hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

Hình mẫu lý tưởng của dân tộc Việt Nam

Đền Phù Ủng - Ân Thi, Hưng Yên nơi thờ Danh tướng Phạm Ngũ Lão

Đền Phù Ủng - Ân Thi, Hưng Yên nơi thờ Danh tướng Phạm Ngũ Lão

Tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất ở Thăng Long, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, một đặc ân của nhà vua đối với ông. Ông được triều đình truy tặng là Điện súy Thượng tướng công chỉ huy quân cấm vệ, bảo vệ kinh thành Thăng Long và ban cho Quy phù, Hổ phù, Vân phù.

Để ghi nhớ công lao vị tướng, triều đình đã cho lập đền thờ ông ngay trên nền nhà cũ, chính là đền Phù Ủng ngày nay. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo. Nhiều nơi đã đặt tên đường phố, công trình theo tên ông để ghi nhớ công lao của vị hổ tướng này.

Hình tượng Phạm Ngũ Lão trong truyền thuyết dân gian là hình mẫu lý tưởng của dân tộc Việt Nam. Con người dù xuất thân ở tầng lớp nào thì khi có tài năng và đức độ sẽ được trọng dụng, người dân ngưỡng mộ, thờ cúng ngàn đời.

>> Vị tướng Việt Nam là người duy nhất trong lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia trên thế giới, trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân khi mới 37 tuổi

Phi công chiến đấu đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là con trai của người giàu bậc nhất Sài Gòn xưa, hơn 100 năm vẫn được người Pháp coi như vĩ nhân

Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam bất chấp việc ‘tru di tam tộc’ để vay lúa cứu dân, sẵn sàng tự xây trường, mở lớp dạy học và bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chien-than-dat-viet-chua-bao-gio-nem-mui-that-bai-lam-re-vi-tuong-quan-vi-dai-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-d117304.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Chiến thần' đất Việt chưa bao giờ nếm mùi thất bại, làm rể vị tướng quân vĩ đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH