Vốn điều lệ vượt 79 nghìn tỷ đồng mang lại lợi thế gì cho VPBank?

29-11-2023 10:53|Phương Anh

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 79.339 tỷ đồng, bỏ xa nhóm Big 4 cùng nhiều ngân hàng thương mại lớn, vươn lên dẫn đầu hệ thống.

Nền tảng vốn lớn sẽ tiếp sức cho VPBank đáp ứng nhu cầu về vốn gia tăng của các phân khúc chiến lược và mở rộng sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, sẵn sàng cho các kế hoạch tăng trưởng liên tục trong tương lai.

Vốn điều lệ vượt 79 nghìn tỷ đồng mang lại lợi thế gì cho VPBank?

Bộ đệm dày

Quyết định ban hành ngày 14/11/2023 vừa qua của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức cho phép VPBank tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng. VPBank theo đó vươn lên dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn điều lệ và đứng thứ 2 về quy mô vốn chủ sở hữu.

Hội đồng quản trị VPBank trước đó đã công bố nghị quyết sửa đổi vốn điều lệ của ngân hàng sau khi hoàn thiện thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong tháng 10 vừa qua.

Thỏa thuận phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu VPB cho định chế tài chính lớn thứ 2 Nhật Bản về tổng tài sản đã mang về cho VPBank hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) vốn cấp 1. Vốn chủ sở hữu của VPBank, theo đó, nâng từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, theo sát ông lớn Vietcombank. Hoạt động bán vốn này được VPBank triển khai từ năm 2022, trong nỗ lực củng cố năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong chiến lược phát triển 5 năm lần thứ 3 (2022-2026).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19% – dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá, sau giao dịch nói trên. Tỷ lệ này cũng đang cao hơn rất nhiều so với CAR trung bình, theo Thông tư 41, của khối ngân hàng thương mại cổ phần 11,5% và tiệm cận ngưỡng trung bình 20,87% của các ngân hàng nước ngoài tính tới thời điểm cuối tháng 9/2023, theo số liệu từ NHNN.

Một nền tảng vốn lớn sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh tài chính cho VPBank, qua đó cho phép ngân hàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đồng thời, VPBank sẽ có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược SMBC được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng các bí quyết, kinh nghiệm mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á.

Duy trì tăng trưởng liên tục

Với bộ đệm vốn dày và nền tảng tài chính vững mạnh, VPBank đã sẵn sàng đáp ứng các kế hoạch tăng trưởng liên tục trong những năm tới đây.

Theo CTCK VNDirect, việc VPBank bán 15% vốn điều lệ cho SMBC, giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu lên gần 140 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ mở rộng cơ sở khách hàng của ngân hàng đến các công ty FDI, đặc biệt với các công ty có liên quan đến Nhật Bản.

“Chúng tôi do đó nâng dự phóng tăng trưởng cho vay năm 2023, 2024, và 2025 [lần lượt] từ 25, 23, 18% lên 28, 25, 20%, cao nhất trong ngành để phản ánh nguồn vốn vững mạnh của ngân hàng,” VNDirect viết trong một báo cáo phát hành giữa tháng 11.

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của VPBank tại thời điểm cuối quý 3 đã tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong phân khúc khách hàng cá nhân tăng 19% so với đầu năm đạt hơn 232 nghìn tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, VPBank tăng cường giải ngân một số sản phẩm cho vay có mức độ rủi ro ổn định và tạo ra tăng trưởng bền vững. Trong mảng cho vay mua nhà, VPBank tập trung vào cho vay mua nhà thứ cấp (tốc độ tăng trưởng 25%), cho vay sản xuất kinh doanh – tập trung vào cho vay các hộ sản xuất kinh doanh (tăng trưởng 22%), và đối với phần cho vay tín chấp, ngân hàng tiếp tục duy trì vị thế số 1 về doanh số chi tiêu trên thẻ và thẻ phát hành với dư nợ trên thẻ tín dụng tăng trưởng 19%.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng trung bình ngành 6,9% tại thời điểm cuối tháng 9. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng trên 30% đạt được trong các năm trước. Tốc độ tăng chậm lại này xuất phát từ định hướng tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên chất lượng của VPBank, phù hợp với diễn biến thị trường và nền kinh tế.

Để duy trì bảng cân đối lành mạnh, VPBank giữ vững đà tăng trưởng ổn định của huy động trong quý 3, đạt gần 462 nghìn tỷ đồng, tăng gần 35% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình ngành 5,9%.

Đáng chú ý, khối khách hàng cá nhân của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng huy động ấn tượng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược phủ phân khúc và chương trình “toàn dân huy động”, bên cạnh bộ sản phẩm tài khoản thanh toán chuyên biệt được đóng gói và may đo theo nhu cầu người dùng.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, trong đó, đạt tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank.

Cùng với hoạt động đẩy mạnh CASA, VPBank đã tăng cường khai thác nguồn vốn quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, qua đó hạ lãi suất cho vay, dẫn vốn vào nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng và các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của ngân hàng, theo quy định của NHNN, nằm ở mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, dưới ngưỡng yêu cầu 34% của cơ quan điều hành (giảm xuống 30% bắt đầu từ 1/10/2023).

Để người mặc áo có túi vào kho tiền, ngân hàng bị thanh tra nhắc nhở

Mô hình ATM của Thế giới Di động (MWG) đạt 20.000 giao dịch sau 7 ngày, bình quân 5-6 triệu đồng/lệnh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/von-dieu-le-vuot-79-nghin-ty-dong-mang-lai-loi-the-gi-cho-vpbank-213157.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vốn điều lệ vượt 79 nghìn tỷ đồng mang lại lợi thế gì cho VPBank?
    POWERED BY ONECMS & INTECH