Vốn hóa thị trường 'bốc hơi' hơn 100.000 tỷ đồng, do đâu?
Vốn hóa thị trường bị "thổi bay" hơn 100.000 tỷ đồng trong phiên VN-Index mất gần 25 điểm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản nằm sàn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch đầu tháng 8 không mấy khả quan khi VN-Index “bốc hơi” gần 25 điểm về mốc 1.226. Toàn thị trường ngập trong sắc đỏ với 618 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 54 mã giảm sàn.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh, hàng loạt mã thậm chí còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua" như TC, BCM, HAH, PDR, NTL…
Xét về mức độ đóng góp, sắc xanh le lói ở các cổ phiếu VCB, SAB, PNJ… giúp thị trường có lực chống đỡ trong khi GVR, FPT, MBB… là các nhân tố gây sức ép lên thị trường.
Phiên giảm mạnh cũng đã "thổi bay" hơn 100.507 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 1/8, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn hơn 5.022 nghìn tỷ đồng.
Phiên giảm mạnh diễn ra sau khi thị trường đang trên đà phục hồi với mức tăng hơn 20 điểm trong 6 phiên cuối tháng 7. Tuy nhiên, lực bán dâng cao đã khiến cho VN-Index đánh bay hết những nỗ lực phục hồi.
VN-Index giảm gần 25 điểm trong phiên ngày 1/8 |
Đà lao dốc mạnh diễn ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Đáng chú ý là vụ việc ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran của Iran diễn ra vào tối ngày 31/7 rạng sáng ngày 1/8. Vụ ám sát được cho là sẽ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực Trung Đông, có thể đẩy Iran và Israel vào xung đột trực tiếp nếu Tehran quyết định hành động quân sự để trả đũa.
Ngay sau đó, giá dầu thô trên thế giới cũng tăng mạnh sau thông tin này. Cụ thể, dầu Brent tăng 2,6% lên 80,7 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 4,26% lên 77,9 USD, ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.
Nhìn lại quá khứ, VN-Index cũng trải qua những nhịp giảm điểm mạnh trong khoảng giai đoạn tháng 9 - tháng 11/2023 khi “bốc hơi” hơn 200 điểm về vùng 1.040 điểm. Đáng nói, đây cũng là thời điểm xung đột Trung Đông bùng phát sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Việc chiến tranh tiếp tục leo thang sẽ đẩy giá dầu tăng lên mức cao mới, khi khả năng gián đoạn nguồn cung ngày càng hiện hữu. Đáng chú ý là các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất toàn cầu đều trực tiếp hay gián tiếp bị cuốn vào cuộc chiến, như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi hay Iran.
Bên cạnh đó, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở phạm vi 5,25% - 5,5% trong 8 lần liên tiếp, neo ở mức cao nhất 23 năm cũng phần nào tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
>> VN-Index ‘cắm đầu’ giảm 28 điểm, một cổ phiếu VN30 ‘thủng đáy’ lịch sử