Vụ bỏ quên học sinh trên ô tô: Để "mất bò mới lo là chuồng" là điều đáng tiếc
Sau vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng việc phòng chống tai nạn thương tích của trẻ cũng như việc ngăn ngừa các cháu bị bỏ rơi phải được phòng là chính.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ xung quanh câu chuyện đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông.
Đọc tin bé trai bị bỏ quên trên ô tô dẫn đến tử vong ở Thái Bình ngay cận kề tháng Hành động vì trẻ em (Tháng 6), tâm trạng ông ra sao?
- Tôi nghĩ bất kỳ ai đọc tin liên quan đến vụ việc đều cảm thấy xót xa. Nhất là với những người gắn bó với công tác trẻ em lâu như tôi thì càng cảm thấy buồn khi trẻ em hàng ngày vẫn đối mặt quá nhiều rủi ro. Điều này cho thấy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông vẫn chưa được các cấp ngành, người dân quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng xem nhẹ sự an toàn của trẻ.
Bằng chứng là ra đường không khó bắt gặp cảnh các cháu chơi một mình bên vỉa hè, sang đường một mình, thậm chí cha mẹ chở con không đội mũ bảo hiểm, cho trẻ ngồi trước một tay ôm con, một tay vít ga phi như bay trên cao tốc…
Không ít người cũng nghĩ con ngồi trên xe là yên tâm rồi nên không trang bị ghế ngồi cho trẻ nhỏ, cho trẻ đứng ở ghế trên, không nhắc con thắt dây an toàn thậm chí còn cho trẻ thò đầu ra ngoài qua nóc ô tô…hóng gió.
Thực tế đã xảy ra 2 vụ bỏ quên trẻ trên xe ô tô ở Hà Nội, Thái Bình và trách nhiệm không thuộc về gia đình các bé, thưa ông?
- Bé trai bị bỏ quên ở Thái Bình là một vụ việc tái diễn sự việc đã xảy ra tại trường Gateway ở Hà Nội năm 2019. Nó gióng lên hồi chuông về tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung, trẻ em bị bỏ quên khi đến trường nói riêng khiến dư luận rất bức xúc, bản thân tôi thấy xót xa.
Nhìn lại tất cả các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em đều cho thấy lỗi bắt nguồn từ người lớn. Ở vụ việc này lỗi thuộc về cơ sở giáo dục, người được phân công đưa đón trẻ, tài xế, giáo viên chủ nhiệm…
Hiện quy định của pháp luật đối với những vị trí này chưa rõ ràng trong khi chế tài chưa nghiêm khắc, chưa đủ tính răn đe. Trong khi phòng chống tai nạn thương tích của trẻ cũng như việc ngăn ngừa các cháu bị bỏ rơi phải được phòng là chính. Để "mất bò mới lo là chuồng" là điều rất đáng tiếc.
Như ông nói, ngăn ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em phải phòng là chính. Vậy theo ông, giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong quá trình tham gia giao thông, đặc biệt là việc di chuyển trên xe đưa đón của nhà trường?
- Trong 25 quyền của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em, quyền đầu tiên là quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng về điều này. Theo đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình bài bản để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.
Ví dụ mỗi cháu lên xuống xe phải được điểm danh và thông tin tới giáo viên chủ nhiệm. Khi vào lớp thiếu học sinh nào thì giáo viên phải “tìm” cho bằng được. Tài xế, người đưa đón trẻ phải kiểm tra lần cuối toàn bộ khoang chở học sinh mới được rời đi. Tất cả các quy trình này phải được tập huấn thường xuyên.
Đối với xe chở học sinh, cần phải được bổ sung thêm về mặt công nghệ, đảm bảo đủ điều kiện đưa đón các cháu. Theo đó, xe đưa đón học sinh phải được thiết kế, bổ sung các trang thiết bị đảm bảo an toàn không chỉ chống bỏ quên trẻ. An toàn ở đây là suốt quá trình lưu thông trên đường từ khi trẻ lên xe tới khi đến trường và ngược lại.
Việc lắp các thiết bị nhằm chống bỏ quên trẻ chỉ là 1 trong những yếu tố an toàn thôi. Bởi trên đường lưu thông chẳng may gặp tai nạn hoặc cháy nổ còn thảm khốc hơn nhiều. Trong khi những xe hiện nay chở học sinh đang được sử dụng chung chở hành khách (không thiết kế riêng cho trẻ em – PV). Do đó, xe chở học sinh phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật phù hợp với lứa tuổi các em là rất cần thiết.
Đồng thời, cần tăng cường bổ sung công nghệ (hệ thống camera AI, nút bấm báo động…), thiết kế thành xe cao bao nhiêu, cửa kính màu gì để bên ngoài có thể nhìn vào thấy được các cháu… Hay thiết kế cửa làm sao bên ngoài có thể không mở được nhưng bên trong dễ ràng mở ra khi xe dừng lại.
Về lâu dài, nên hình thành mô hình school bus. Để mô hình này phát triển, Nhà nước cần có những chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các công ty chuyên thực hiện việc đưa đón học sinh.
Với những giải pháp như ông nêu, có ngăn ngừa triệt để tình trạng bỏ quên trẻ trên xe ô tô, thưa ông?
- Tôi phải nhấn mạnh rằng, con người đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa. Dù có đặt ra các quy chế, trang bị thêm các thiết bị trên xe nhưng người thực hiện thiếu trách nhiệm thì sai sót phải trả bằng tính mạng trẻ vẫn có thể xảy ra.
Vì thế, người đưa đón trẻ phải được tuyển chọn, được khám sức khỏe định kỳ (trong đó có sức khỏe tâm thần), được tập huấn nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên về trách nhiệm với công việc.
Giáo viên, nhà trường cũng phải được nhắc nhở thường xuyên về việc kết nối với gia đình, người đưa đón trẻ. Người lái xe cũng phải được tập huấn kỹ khi chở học sinh khác so với hành khách là người lớn ra sao. Tất cả những mắt xích trong việc đưa đón học sinh phải thường xuyên được kiểm tra chéo, các khâu phải có sự phối hợp, liên hệ với nhau.
Trẻ em là tương lai của đất nước, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển, đây là sự phát triển bền vững không chỉ của xã hội mà của cả gia đình. Trẻ em là nhóm yếu thế cần được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tình huống. Vì thế, tôi mong rằng, không chỉ trong tháng hành động vì trẻ em này, người lớn cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, trước hết từ chính người thân trong gia đình.
Xin cảm ơn ông!
>> Bé trai bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình: Bất ngờ về chiếc xe chở học sinh