'Vũ khí đặc biệt' giúp hãng xe công nghệ 8 tỷ USD mới đặt chân đến Việt Nam thách thức Grab, Be và Xanh SM
Bolt - ứng dụng gọi xe từ châu Âu với định giá hơn 8 tỷ USD chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam. Với chiến lược kinh doanh "tiết kiệm" và nguồn tài chính lớn, hãng có thể "đe dọa" thế chân kiềng của Grab, Xanh SM và Be.
Bolt - ứng dụng gọi xe từ châu Âu bắt đầu có động thái gia nhập thị trường Việt Nam khi tuyển dụng nhân sự và tài xế tại TP. HCM. Hiện tại, ứng dụng và website của hãng đã hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Người dùng Việt Nam có thể tải Bolt trên App Store và Google Play nhưng chưa thể đăng nhập để sử dụng dịch vụ.
Công ty gọi xe công nghệ này được thành lập vào năm 2013, với trụ sở chính tại Estonia (ở khu vực Bắc Âu). Đến nay, hãng có mặt tại hơn 50 quốc gia, cung cấp đa dạng dịch vụ từ đặt xe, cho thuê ô tô, xe máy cho đến giao đồ ăn và hàng tạp hóa. Bolt có 4,6 triệu đối tác tài xế và đối tác giao hàng, phục vụ cho hơn 200 triệu người dùng. Tại châu Âu, Bolt là đối thủ chính của Uber.
Tính đến vòng gây quỹ gần đây nhất, hồi tháng 1/2022, công ty được định giá 8,4 USD. Năm 2024, Bolt đạt doanh thu 2,11 tỷ USD, hãng dự kiến sẽ IPO trong năm 2025.
Ảnh minh họa |
Theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam ước đạt 880 triệu USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Dù vô cùng tiềm năng, nhưng làm sao để tồn tại và phát triển là điều cần được bàn đến. Hiện tại, thống trị thị trường là 3 "ông lớn" gồm Grab, Xanh SM và Be.
Trước khi Xanh SM gia nhập, thị trường gọi xe Việt Nam là cuộc đua "tam mã" giữa Grab, Be và Gojek. Xanh SM được thành lập vào tháng 3/2023 và chỉ đến quý I/2024, hãng đã chiếm lĩnh 19% thị phần gọi xe.
Chiến lược của Xanh SM nằm ở việc "di chuyển xanh" - một xu hướng của tương lai và cũng nằm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Điểm khác biệt là dịch vụ của Xanh SM ổn định, được đánh giá cao nhờ tài xế sử dụng hoàn toàn xe VinFast và được đào tạo bài bản.
Gojek hụt hơi và phải rời khỏi Việt Nam vào tháng 9/2024. Trước đó, đối thủ lớn nhất của Bolt là Uber cũng đã phải từ bỏ cuộc chơi.
Số liệu: Q&Me |
"Vũ khí đặc biệt" của Bolt
Nhiều doanh nghiệp lớn buộc phải rời bỏ Việt Nam dù đã đầu tư không ít tiền bạc, công sức và gây dựng được tệp khách hàng lớn chủ yếu đến từ việc chưa biết bao giờ ngừng "đốt tiền" và mang về lợi nhuận. Đây cũng là điểm cốt lõi làm nên thành công của Bolt khi doanh nghiệp này tập trung vào "tiết kiệm".
Nhà sáng lập Bolt - ông Markus Villig từng chia sẻ: “Chúng tôi cực kỳ tiết kiệm ngay từ ngày đầu tiên vì chúng tôi không có tiền. Hiện giờ, Bolt có 4.000 nhân viên. Họ cân nhắc chi tiêu hằng ngày, đó là lợi thế lớn nhất và duy nhất của chúng tôi”.
Theo tìm hiểu, Bolt ra đời vào năm 2013 bởi nhà sáng lập Markus Villig, khi ông mới 19 tuổi. Năm 2015, công ty chỉ có 2 triệu USD vốn đầu tư nhưng phải cạnh tranh trực tiếp với Uber - "gã khổng lồ" đã huy động được 1,2 tỷ USD với mức định giá 17 tỷ USD một năm trước đó.
Với nguồn vốn chỉ bằng 0,01% của Uber, Bolt cần một chiến lược kinh doanh rất khác. Các công ty mới thành lập buộc phải tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, thay vì đối đầu với Uber ở các thị trường phát triển, Bolt bắt đầu nhắm đến các quốc gia như Ba Lan, nơi ban đầu có rất ít hoặc không có sự cạnh tranh.
Thay vì cố gắng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, Bolt ra mắt ở Nam Phi và thuê toàn bộ nhân viên địa phương thông qua Skype. Nhiều tài xế Nam Phi của Bolt và khách hàng không có thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng, nên hãng đã đẩy nhanh việc thanh toán bằng tiền mặt. Doanh thu từ các quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi, Nigeria và Ghana, hiện chiếm 1/3 hoạt động kinh doanh của Bolt.
Ngoài ra, Bolt chủ yếu sử dụng các phương pháp không quá tốn kém như tuyển dụng tài xế qua Facebook thay vì các chiến dịch quảng cáo hào nhoáng; thuê lập trình viên với mức giá thấp và làm việc trong văn phòng giá rẻ hơn. Bolt chỉ thu 15% chi phí chuyến đi và công ty học cách xoay xở từ nguồn thu đó.
Nhà sáng lập Bolt - ông Markus Villig |
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, với nguồn tài chính eo hẹp, trong giai đoạn 2015 - 2019, Bolt từ một công ty đạt 730.000 USD doanh thu đã trở thành doanh nghiệp đạt 142 triệu USD doanh thu. Vì không dám gánh những khoản lỗ lớn, Bolt cố gắng giữ công ty ở gần mức hòa vốn. Ngược lại, Uber đã đốt hết 19,8 tỷ USD trước khi lên sàn vào năm 2019.
Những nỗ lực đó đã được đền đáp. Bolt nhận được hậu thuẫn từ gã khổng lồ gọi xe Didi của Trung Quốc và từ Mercedes-Benz, trước khi Sequoia Capital và Fidelity đầu tư 1,4 tỷ USD trong 2 vòng gọi vốn từ tháng 8/2021 - 1/2022. Doanh nghiệp hiện đang "rủng rỉnh" tiền để đầu tư phát triển siêu ứng dụng và thâm nhập các thị trường mới.
Trả tiền bồi thường siêu dự án hơn 90.000 tỷ đồng của Vinhomes: Nhiều nông dân bỗng thành 'tỷ phú'
Vụ giá đỗ bẩn bán qua Bách Hóa Xanh, trách nhiệm không thuộc về Bộ Công Thương