Câu chuyện đầu tư

Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau

Hải Băng 28/10/2024 10:48

Cuộc chiến "đốt tiền" trong lĩnh vực thương mại điện tử và gọi xe công nghệ chưa có hồi kết. Các doanh nghiệp dù đang ở lại hay đã ra đi cũng đều đóng góp, tạo dựng lên một thị trường Việt Nam đầy tiềm năng với mức tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau
Ảnh minh họa

Temu có khả năng vẽ lại "miếng bánh" thị phần TMĐT Việt Nam?

Temu - ông lớn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vừa đổ bộ vào Việt Nam. Temu được hậu thuẫn bởi PDD Holdings - "gã khổng lồ" đến từ Trung Quốc, niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) với định giá lên đến 170 tỷ USD. Tại Trung Quốc, PDD Holdings đứng sau Pinduoduo - nền tảng TMĐT lớn thứ 2, chỉ sau Alibaba.

Chiến lược của Temu được gói gọn trong từ "giá rẻ", nhờ kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy tại Trung Quốc. Tính hiệu quả của chiến lược này đã được chứng minh khi Temu ra mắt tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng thu hút 50 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 1/2024. Hiện tại, Temu đã chiếm khoảng 17% thị phần trong phân khúc cửa hàng giảm giá tại Mỹ, cạnh tranh với các nhà bán lẻ truyền thống như Dollar Tree và Five Below, cũng như với Amazon.

Trước khi Temu gia nhập, thị trường TMĐT tại Việt Nam đã là cuộc đua "đốt tiền" giữa 5 ông lớn gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo. Theo thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi khoảng 156.000 tỷ đồng để mua sắm trên 5 sàn này trong nửa đầu năm 2024. Về thị phần, Shopee chiếm 67,9%, tiếp đến là TikTok Shop (23,2%), Lazada (7,6%) và Tiki (1,3%).

Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau
Thị phần các sàn TMĐT có nhiều thay đổi sau 2 năm

Việc Temu có thể nhanh chóng vẽ lại miếng bánh thị phần TMĐT Việt Nam không phải điều viển vông. TikTok Shop là một ví dụ tiêu biểu, ra đời vào cuối tháng 4/2022 và đã nhanh chóng chiếm phần lớn thị phần từ các nền tảng đi trước như Lazada, Tiki và Sendo, dù nhóm này đã "bám rễ" nhiều năm.

Về chiến lược cạnh tranh, TikTok có lợi thế khi trở thành nơi giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại. Theo đánh giá của các cửa hàng TMĐT, tính giải trí trên TikTok được cho là lý do chính thúc đẩy các hoạt động khám phá sản phẩm. Thói quen khám phá sản phẩm qua truyền miệng, kết hợp với tính cộng đồng, giải trí và thương mại, đang tạo ra một hành trình liền mạch từ giai đoạn tìm hiểu sản phẩm đến mua hàng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại bối cảnh khi ấy, thị trường TMĐT bùng nổ sau Covid-19. Đồng thời, các ông lớn như Lazada, Tiki và Sendo có dấu hiệu kiệt sức sau nhiều năm "đốt tiền" nhằm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân từ offline sang online.

Ví dụ, Lazada - sàn TMĐT ngoại đầu tiên tại Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 373,4 triệu USD vào năm 2021 tại pháp nhân ở Việt Nam là Công ty TNHH Recess (theo Deal Street Asia). Lazada cũng đã thực hiện đợt cắt giảm lớn về quy mô nhân sự vào đầu năm 2024 tại các thị trường Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Cuộc chiến "đốt tiền" dài hơi và cái giá của kẻ đến sớm

Trước khi còn 5 sàn bám trụ như hiện tại, TMĐT Việt Nam đã ghi dấu sự hiện diện của không ít ông lớn. Năm 2005, Peacesoft của ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) ra mắt Chợ Điện Tử, trở thành trang TMĐT đầu tiên tại Việt Nam. Ba năm sau đó, doanh nghiệp này hợp tác với eBay - tập đoàn TMĐT quốc tế lớn nhất lúc bấy giờ, vừa bán hàng nội địa vừa bán hàng xuyên biên giới (tương tự ý tưởng của Temu hiện nay). Năm 2015, Chợ Điện Tử là sàn TMĐT lớn thứ hai cả nước, chỉ sau Lazada. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt, sàn này dần hụt hơi và gần như biến mất từ năm 2019.

Ông Bình từng thừa nhận trên Shark Tank rằng, Chợ Điện Tử gia nhập thị trường quá sớm, khi khách hàng chưa sẵn sàng làm quen với mô hình kinh doanh mới. “TMĐT là cuộc chơi đốt tiền. Chỉ có doanh nghiệp nào có nhiều tiền mới có thể trụ lại trên thị trường" - ông Bình chia sẻ với KTSG Online.

Sau đó, một loạt các tập đoàn lớn nhập cuộc TMĐT nhưng cũng phải từ bỏ cuộc chơi. Vingroup rút lui khỏi Adayroi vào cuối năm 2019 sau 5 năm tham gia thị trường này với mức đầu tư khá lớn. Trước đó, Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h cũng đã “khai tử” Deca.vn do hoạt động không hiệu quả. Lingo cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn đầu tư. Cuối năm 2018, Thế Giới Di Động đã đóng cửa website Vuivui.vn. Beyeu.com cũng phải đóng cửa do không thể cạnh tranh và còn để lại lời nhắn: "Kinh doanh TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng".

Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau
Nguồn: Bộ Công Thương

Nhìn tổng thể, cuộc đua "đốt tiền" của các doanh nghiệp đã tạo dựng nên thị trường TMĐT Việt Nam ngày nay - một thị trường nằm trong Top 10 tăng trưởng hàng đầu thế giới và dẫn đầu Đông Nam Á với mức tăng trưởng 25% vào năm 2023. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến, và hoạt động thương mại điện tử đã lan tỏa rộng rãi trong đời sống người dân.

"Miếng bánh" béo bở đã được tạo ra cho các doanh nghiệp đến sau khi nhu cầu mua sắm qua mạng đã trở thành một phần thiết yếu. Vấn đề còn lại là chiến lược cạnh tranh như thế nào? Sự thành công của TikTok Shop là điển hình cho việc nắm bắt đúng "long mạch" của thị trường.

Câu chuyện tương tự trên thị trường gọi xe công nghệ

Việc các doanh nghiệp đến sớm rồi kiệt sức không chỉ diễn ra trên thị trường TMĐT, mà còn trong lĩnh vực gọi xe.

Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau
Số liệu: Q&Me

Trước khi Xanh SM gia nhập, thị trường gọi xe Việt Nam là cuộc đua "tam mã" giữa Grab, Be và Gojek. Xanh SM được thành lập vào tháng 3/2023 và chỉ đến quý I/2024, hãng đã chiếm lĩnh 19% thị phần gọi xe. Chiến lược của họ nằm ở việc "di chuyển xanh" - một xu hướng của tương lai và cũng nằm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Điểm khác biệt là dịch vụ của Xanh SM ổn định, được đánh giá cao nhờ tài xế sử dụng hoàn toàn xe VinFast và được đào tạo bài bản.

Gojek hụt hơi và phải rời khỏi Việt Nam vào tháng 9/2024. Trước đó, một ông lớn khác là Uber cũng đã phải từ bỏ cuộc chơi. Sự ra đi của các ông lớn thế giới khỏi thị trường Việt Nam sau khi đã đầu tư mạnh mẽ nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đã để lại một thị trường gọi xe tiềm năng vô cùng lớn.

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước đạt 1,17 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 3,19 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ trung bình 22,1%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029. Các hãng xe công nghệ còn lại như Grab, Be Group, Xanh SM đang hưởng lợi từ "miếng bánh" lớn này và có thể khai thác thêm dư địa thị trường.

>> Hưởng lợi từ làn sóng TMĐT xuyên biên giới, vì sao cổ phiếu Viettel Post (VTP) vẫn bị SSI Research 'chê đắt'?

Novaland (NVL): Hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận tài chính sẽ quay trở lại trong báo cáo KQKD quý III/2024?

Nhận định chứng khoán 28/10 - 1/11: VN-Index có thể hồi phục lên 1.265 - 1.275 điểm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-choi-tmdt-va-goi-xe-ke-tien-phong-kiet-suc-roi-chet-yeu-xanh-sm-va-tiktok-shop-temu-huong-loi-nho-di-sau-256374.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc chơi TMĐT và gọi xe: Kẻ tiên phong kiệt sức rồi 'chết yểu', Xanh SM và TikTok Shop, Temu hưởng lợi nhờ đi sau
    POWERED BY ONECMS & INTECH