Vụ rò rỉ giếng khai thác lớn nhất lịch sử thổi bùng đám cháy cao 10m, thải 131.000 tấn methane, hàng nghìn tấn nước được bơm để bịt, chặn
Methane là một khí nhà kính mạnh, có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển cao gấp khoảng 25 lần so với carbon dioxide (CO₂) trong khoảng thời gian 100 năm.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Giáo sư Luis Guanter từ Đại học Bách khoa Valencia dẫn đầu, cùng với nhóm nghiên cứu LARS thuộc Viện Nước và Kỹ thuật Môi trường, đã phát hiện vụ rò rỉ methane lớn nhất lịch sử từ một giếng dầu tại mỏ Karaturun Vostochny, Kazakhstan, theo báo cáo từ SciTechDaily ngày 19/7.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters, nhóm khoa học gia đã định lượng và theo dõi sự phát tán của lượng khí methane khổng lồ bằng cách sử dụng dữ liệu từ nhiều vệ tinh, bao gồm TROPOMI, GHGSat, PRISMA, EnMAP, EMIT, và các máy đo bức xạ đa phổ Landsat và Sentinel-2.
Sự cố rò rỉ này tạo ra một đám cháy cao tới 10m và miệng hố rộng 15m, vượt qua các sự kiện rò rỉ trước đó tại Aliso Canyon năm 2015, Ohio năm 2018 và Louisiana năm 2019.
Vụ rò rỉ tại mỏ Karaturun Vostochny bắt đầu từ ngày 9/6/2023 khi một vụ nổ xảy ra trong quá trình khoan thăm dò. Ban đầu, ước tính cho rằng sự cố này thải ra khoảng 127.000 tấn methane. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, lượng khí methane thực tế thoát ra là khoảng 131.000 tấn trong 205 ngày. Hàng nghìn tấn nước đã được bơm vào để bịt giếng, và cuối cùng, luồng khí được chặn lại vào ngày 25/12/2023 nhờ việc bơm bùn khoan, theo lời Giáo sư Luis Guanter.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã phát triển các phương pháp xử lý dữ liệu mới, bao gồm triển khai các bộ lọc đặc biệt để phát hiện các luồng khí và sử dụng các mô hình định lượng methane cho thiết bị siêu quang phổ. Công nghệ vệ tinh tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và định lượng khí methane, đặc biệt tại các khu vực xa xôi.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát liên tục và chính xác để giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động công nghiệp như khai thác dầu khí. "Khí tự nhiên là một nguồn năng lượng quan trọng, nhưng cũng là khí nhà kính đóng góp khoảng 1/3 mức ấm lên toàn cầu do chứa hơn 90% methane. Khác với CO2, methane có tác động lớn hơn trong ngắn hạn. Vì vậy, chúng ta cần hành động ngay từ gốc và giảm phát thải," họ kết luận.
*Theo SciTechDaily
>> Hai tàu chở dầu bốc cháy sau va chạm gần cảng tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới