Hiện nay, vùng đất này trở thành một địa chỉ đỏ với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp các thế hệ con trẻ.
Giây phút lịch sử
Vào 13 giờ chiều 28/5/1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình, An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam.
Trước đó, ngày 20/1/1948 tại Phủ Chủ tịch – mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo - chỉ huy quân đội, quân hàm Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng: Nguyễn Bình, quân hàm Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.
Trong một căn nhà dựng bên suối lớn, dựa một bên núi, cây cối chen phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng sục sạo. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công“… trông đơn giản mà trang nghiêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, lên đứng 2 bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ (ông Cù Huy Cận – thư ký Hội đồng Chính phủ, Phan Mỹ – Chánh văn phòng Chính phủ)… Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt… Một phút vô cùng cảm động, mọi người đều rớm nước mắt. Giây lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cất được tiếng mà tuyên bố: Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mùng. Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau cùng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội và Chính phủ, tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố bế mạc cuộc lễ.
Đời đời gìn giữ đất thiêng
Cho đến nay, Khu di tích ATK vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Định Hóa, Thái Nguyên. Vùng đất lịch sử này đã được gìn giữ, phát triển để trở thành một địa chỉ đỏ với mục đích giáo dục truyền thống các mạng cho lớp lớp các thế hệ con trẻ.
Đặc biệt, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách thiết thực để bảo tồn địa danh lịch sử. Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên định hướng đến năm 2030.
Theo định hướng quy hoạch, có rất nhiều điểm di tích sẽ được bảo tồn, tôn tạo trong đó có nhấn mạnh việc trùng tu, tôn tạo Di tích địa điểm đồi Pụ Đồn - nơi Bác chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp vào năm 1948 với định hướng Bảo tồn nguyên trạng rừng tự nhiên trên đồi Pụ Đồn. Tôn tạo cảnh quan chung toàn khu, thiết lập một số đường dạo lên đồi Pụ Đồn, bố trí tháp ngắm cảnh trên đồi.
Tu bổ, phục hồi hội trường lớp học, nơi tổ chức sự kiện lễ phong quân hàm Đại tướng, kết hợp với việc trưng bày các hiện vật, tranh, ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị tướng lĩnh được phong quân hàm tại đây. Phục hồi các trận địa bảo vệ trên đồi Pụ Đồn. Xây dựng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh. Di chuyển một số nhà dân trong khu vực bảo vệ di tích, tạo cảnh quan di tích trọn vẹn.
Việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn có ý nghĩa quan trọng, không những thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam mà còn từng bước hoàn thiện tổng thể quần thể các di tích thuộc vùng ATK Định Hóa. Trong tương lai, vùng ATK Định Hóa sẽ trở thành một trong những điểm đến ‘về nguồn’ lý tưởng cho các thế hệ đi sau, một lòng ghi nhớ công ơn của các bậc anh hùng vỹ đại của dân tộc.
Nguồn tham khảo: Di tích lịch sử Đồi Phong tướng, Báo Thái Nguyên