Đằng sau đó là những phong tục tập quán mang đậm màu sắc tâm linh vô cùng hấp dẫn.
“Thủ đô kháng chiến” nhưng không ai phải hy sinh
Trải qua 2 cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, để rồi khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, cả nước cùng chung nhịp đập trái tim. Trên khắp mọi miền quê hương Việt Nam từ Bắc đến Nam, nơi đâu cũng có sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, tiếng khóc của người con mất cha, nỗi đau người vợ mất chồng và càng không thể thống kê đầy đủ có bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ tĩnh lặng đón các anh yên nghỉ.
Kỳ lạ thay, ở Việt Nam vẫn còn duy nhất một ngôi làng mà hàng trăm người lính ra trận, nhưng không một ai hy sinh trong chiến đấu. Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ. Đó là làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Địa phương này còn được biết đến với vai trò là ‘Thủ đô kháng chiến’ khi từng là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước vào tháng 8/1945.
Người già ở đây kể rằng, theo phong tục, mỗi khi gia đình có người con chuẩn bị lên đường nhập ngũ, gia đình đều chuẩn bị chu đáo một mâm lễ trịnh trọng và mang ra đình làng Tân Trào thắp hương cầu khấn các vị thần linh che chở, phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, tránh được đạn bom, bình an trở về.
Người dân ở đây tin rằng, họ được các vị thần linh thiêng trong ngôi đình Tân Trào phù hộ nên tất thảy các chiến sĩ ra trận đều may mắn trở về mặc cho thương tật dù có nặng đến đâu. Một sự may mắn đến kỳ lạ, hy hữu.
Đình Tân Trào được dựng nhìn về hướng Nam (theo nhiều tài liệu ghi chép thì hướng Nam là hướng mang lại nhiều may mắn, phúc lành nên các công trình kiến trúc tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều chọn hướng này để cất dựng).
Trước mặt đình là núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén (Ngòi Thia). Đình được dựng với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Đình cũng là nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa chung của làng mỗi khi có lễ hội, công việc trọng đại.
Cho đến tận bây giờ, đình Tân Trào vẫn là nơi tôn nghiêm, linh thiêng nhất của cả làng. Bất cứ ai từ già, trẻ, lớn, bé trước khi làm một việc gì đó trọng đại hoặc đi đâu xa, hoặc cưới hỏi, ma chay đều ra đình thành tâm kính lễ.
Tân Trào trong diện mạo mới
Là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) đã và đang phát huy truyền thống, tạo nên diện mạo quê hương cách mạng ngày càng khởi sắc.
Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, phấn khởi cho cho biết hiện nay, kinh tế của xã tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại.
Đời sống nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 1,11%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Kinh tế của xã có bước phát triển, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp được duy trì ổn định, tiếp tục chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hữu cơ.
Các công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông được đẩy nhanh tiến độ; cơ sở vật chất của các thôn được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục được nâng lên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn được duy trì, tạo việc làm mới cho người lao động; công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện.
Với hàng trăm Di tích Lịch sử trên địa bàn, để phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương, xã Tân Trào đang tiếp tục thực hiện Quy hoạch Phát triển Du lịch, khuyến khích lao động địa phương làm dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực.
Xã Tân Trào phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6% (theo chuẩn nghèo đa chiều); thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 2.000 tấn; duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút trên 5.000 lượt khách du lịch lưu trú.
Diện mạo mới của vùng quê cách mạng Tân Trào hôm nay cho thấy truyền thống cách mạng chính là động lực khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của chính quyền và của mỗi người dân quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.