Biệt danh là tâm sự, gửi gắm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở ông: hoạt động trong lòng địch vẫn tuyệt đối trung thành, vững vàng và bền chắc.
Những dấu ấn đặc biệt
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986) tên thật là Lê Văn Nghiệm, sinh tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống yêu nước.
15 tuổi ông rời quê hương, rời Việt Nam ra nước ngoài, tham gia hoạt động yêu nước. Đó là mùa Thu năm 1923, dưới sự hướng dẫn của ông Võ Trọng Đài (thường gọi là ông Ngoét Đài), 12 thanh niên xứ Nghệ sang Xiêm (nay là Thái Lan). Cùng đi chuyến này có các ông Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái.
Từ làng Phù Xá, đoàn có một hành trình đầy khó khăn vất vả, qua Hương Sơn, qua Lào rồi sang Xiêm. Cuối cùng, họ đến đích và ở lại Trại Cày của Cố Đi (tức nhà yêu nước Đặng Thúc Hứa). Tại đây, những thanh niên này vừa học tiếng Trung Quốc vừa lao động chờ thời cơ sang Quảng Châu (Trung Quốc).
Sang Quảng Châu (Trung Quốc), ông gặp Lý Thụy (bí danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) và được giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Chính Lý Thụy đã đổi tên cho ông là Lê Quốc Vọng với ý nghĩa luôn luôn nhớ về Tổ quốc…
Ông vào học lớp bộ binh, cùng khoá học có 8 người Việt Nam, trong đó 3 người học lớp pháo binh, số còn lại là vào khoa khác. Mỗi tháng, những học viên người Việt Nam này lại dành ra 2 ngày ngược thuyền từ Hoàng Phố về Quảng Châu học tập lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy.
Cuộc đời Thiếu tướng Lê Thiết Hùng có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (năm 1925), được cử đi học Trường Võ bị Hoàng Phố rồi được giao nhiệm vụ tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch và được phong quân hàm tới Đại tá (Đại hiệu).
Cũng chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt cho ông biệt danh "cây gỗ mun". “Cây gỗ mun” được hiểu theo nghĩa đen vì nước da ngăm đen của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Còn theo nghĩa bóng, là tâm sự gửi gắm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở ông: hoạt động trong lòng địch vẫn tuyệt đối trung thành, vững vàng và bền chắc.
Người học trò nhỏ của Bác Hồ
Mùa hè năm 1940, tình hình cách mạng trong nước có những diễn biến mới. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Phùng Chí Kiên viết thư yêu cầu ông về nhận nhiệm vụ mới. Trở về Tổ quốc, đứng chân ở đầu nguồn Pác Bó – tỉnh Cao Bằng, ông mang bí danh là Đinh.
Cuối năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) với bí danh Lê Quốc Vọng, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với ông Lê Quảng Ba lập Đội vũ trang đầu tiên gồm 12 người. Đó là đội du kích Pác Bó.
Cách mạng Tháng Tám thành công, thời gian đầu, ông còn phải quay trở lại các vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Móng Cái… để chuẩn bị đối phó với "Hoa quân nhập Việt". Rồi ông lại về Hải Phòng để phát triển lực lượng tự vệ chiến đấu, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân.
Trước những biến chuyển mau chóng của đất nước, ông được Hồ Chủ tịch giao làm Chiến khu trưởng đầu tiên Chiến khu 4 (nay là Quân khu 4). Một hôm, ông đang đi thị sát miền Tây Khu 4 chống tàn quân Pháp đang từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội.
Trở ra Thủ đô, ông mới biết, Chính phủ vừa tổ chức "Đội Tiếp phòng quân" để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng. Lúc này, Chính phủ đang cần một Thiếu tướng để chỉ huy "Đội Tiếp phòng quân". Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn Lê Quốc Vọng.
Trong hồi ký "Người học trò nhỏ của Bác Hồ" do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng kể, Đại tá - Nhà văn Siêu Hải thể hiện, đã cho biết nội dung cuộc gặp này tại Bắc Bộ phủ. Bác hỏi ý kiến ông. Suy nghĩ trong giây lát, ông đáp: "Thưa Bác, tôi tự xét thấy chưa quen làm việc với bọn Pháp, ít am hiểu bọn chúng. Đề nghị Bác chọn một đồng chí khác có năng lực hơn."
Nghe vậy, Bác động viên ông: "Kìa, chú định thay mặt Thường vụ Trung ương về công tác cán bộ đấy à? Thường vụ và Bác đã cân nhắc kỹ. Việc này chỉ có chú làm được. Chú nhận đi..."
Siết chặt tay ông, Bác nói thêm: "Trước đây, trên chục năm chú sống trong quân đội Tưởng đầy chông gai, cạm bẫy, 'chất thép' trong con người chú đã được tôi luyện già dặn. Nay, vào cuộc chiến đấu mới, đối mặt với thực dân xâm lược Pháp, phải thêm 'chất hùng' của dân tộc ta nữa. Bác đã nghĩ kỹ, chọn cho chú cái tên mới: Lê Thiết Hùng."
Từ đó, Lê Quốc Vọng mang tên mới Lê Thiết Hùng. Cái tên này đi theo ông đến cuối đời. Ông và tướng Phùng Chí Kiên là một trong những người đầu tiên được phong quân hàm tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trước đợt phong quân hàm chính thức 2 năm (1948). (Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chính thức phong quân hàm tướng đợt đầu tiên cho 10 quân nhân. Sắc lệnh số 110/SL ngày 20/1/1948, phong cấp hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ).
Ngày 26/11/1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra nghị định giao cho ông Lê Thiết Hùng làm Khu trưởng Khu 4 (lần thứ 2).
Đầu năm 1948, ông Lê Thiết Hùng được điều về Bộ Quốc phòng phụ trách huấn luyện quân sự, làm Tổng Thanh tra Quân đội, làm Hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điều ông về tham gia chiến dịch.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1956, Binh chủng Pháo binh thành lập, ông Lê Thiết Hùng làm Tư lệnh đầu tiên kiêm Chỉ huy trưởng phòng không và kiêm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh.
Năm 1963, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng chuyển sang công tác đối ngoại, là Đại sứ nước ta tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng (5/1970), sau đó nghỉ hưu.
Tham khảo:
- Tư lệnh đầu tiên - Đồng chí Lê Thiết Hùng - Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng
- Lê Thiết Hùng: Vị tướng mang biệt danh “Cây gỗ mun” - Báo QĐND
- Vị tướng đầu tiên Lê Thiết Hùng và trái tim nồng hậu - Báo CAND
- Những vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam: Lê Thiết Hùng - Vị tướng đầu tiên - Báo Thanh Niên
>> Người anh hùng đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng ở Điện Biên Phủ