CTCK đánh giá, lực cầu đã dần ổn định quanh vùng 1.280 điểm và hiện đang sẵn sàng cho những phiên bứt phá trong những tuần tiếp theo của tháng 6.
Chứng khoán Mirae Asset (MAS) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 6 với tiêu đề "Vững tay chèo trước cơn sóng lớn". Theo MAS, sau tháng 5 phục hồi, đà tăng điểm của VN-Index có thể sẽ tiếp tục vào tháng 6, với sự hỗ trợ bởi bức tranh tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý I/2024 và mức giá tương ứng với mức P/E bình quân 10 năm phục hồi lên khoảng 1.320 điểm.
VN-Index hướng về mốc 1.300 điểm |
"Bối cảnh vĩ mô vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, mà thay vào đó thị trường đang dần ấm lên trước thông tin lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4 nhằm mở đường cho đợt cắt lãi suất trong tháng 9. Trong khi đó, lực cầu đã dần ổn định quanh vùng 1.280 điểm và hiện đang sẵn sàng cho những phiên bứt phá trong những tuần tiếp theo của tháng 6" chuyên gia MAS kỳ vọng.
Sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân trong nước thúc đẩy lực cầu lan tỏa đến nhiều nhóm ngành |
Tuy nhiên, diễn biến có phần chậm rãi và hụt hơi của các cổ phiếu bluechip đã phần nào làm tăng sự hấp dẫn của các cổ phiếu midcap trong tháng qua, khi định giá P/E trung bình của nhóm VN70 đang dần nóng trở lại so với mức bình quân trong lịch sử.
Do đó, MAS kỳ vọng chỉ số VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng của tháng trước nhưng đồng thời nhà đầu tư sẽ cần duy trì tâm thế thận trọng khi áp lực chốt lời có thể sẽ hình thành khi chỉ số sàn HoSE đang dần tiệm cận mức P/E trung bình 10 năm ở khoảng 1.320 – 1.340 điểm.
Nhóm phân tích MAS chỉ ra một số yếu tố then chốt có thể thúc đẩy đà tăng của thị trường trong tháng 6 này.
Thứ nhất, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đối với một số luật quan trọng: Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 và Luật Các Tổ chức Tín dụng 2024, với đề xuất các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì 1/1/2025.
Nếu được thông qua trong Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, các sửa đổi này có thể tác động tích cực đến ngành bất động sản bằng cách rút ngắn thời gian chờ để giải quyết các trở ngại pháp lý trong phát triển dự án nhà ở cũng như giúp giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp khi có thể linh hoạt trong việc trả tiền thuê và sử dụng đất. Qua đó giá nhà cũng có thể sẽ được điều chỉnh và hoạt động kinh doanh cũng được linh động hơn.
Thứ hai, tác động đến triển vọng thị trường tháng 6 này là việc giai đoạn lấy ý kiến công chúng đối với dự thảo luật sửa đổi và bổ sung một số điều luật liên quan đến hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán và hoạt động của công ty chứng khoán đã kết thúc.
Các sửa đổi này nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá nâng hạng thị trường về việc hỗ trợ thanh toán đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Cụ thể, dự thảo đề xuất sửa đổi Thông tư 120 để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua chứng khoán mà không yêu cầu 100% tiền trước.
Thông tư 121 cũng sẽ được sửa đổi để bổ sung quy định về hoạt động và trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc giao dịch, thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền, cũng như quy định về việc áp dụng hạn mức đầu tư của công ty chứng khoán khi thực hiện dịch vụ này.
MAS kỳ vọng dự thảo cuối cùng sẽ được phát hành vào tháng 6 để đáp ứng thời hạn đánh giá nâng cấp thị trường tiếp theo.
>> Thị trường chứng khoán đang hội tụ đủ 3 điều kiện để bước vào sóng tăng ngắn hạn
Thủy điện chính thức bước ra khỏi pha El Nino, doanh nghiệp nào được hưởng lợi lớn nhất?
2 doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ việc chiếm được thị phần Trung Quốc ở Mỹ