Vườn kinh độc nhất Việt Nam được khắc trên hơn 200 phiến đá, nằm trong khuôn viên chùa cổ hơn 100 năm tuổi
Vườn kinh Pháp cú nằm trong khuôn viên Tổ đình Phước Hậu (chùa Phước Hậu) được xem là vườn kinh có một không hai tại Việt Nam.
Chùa Phước Hậu hay còn gọi là Phước Hậu cổ tự đã tồn tại rất lâu đời bên dòng sông Hậu thơ mộng khiến mảnh đất Trà Ôn. Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như chánh điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Trừ chánh điện là công trình xây mới năm 1962 bằng vật liệu hiện đại theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông – Tây, các công trình khác là các bộ phận của ngôi chùa cũ, có từ năm 1894.
Hòa thượng Thích Phước Cẩn chia sẻ, vào năm 2014, hòa thượng được Phật tử mời đi Myanmar du lịch. Qua bên đó, hòa thượng được ngắm nhiều ngôi chùa đẹp, đặc biệt những phiến đá khắc kinh rất độc đáo mà các chùa ở Việt Nam không có. Khi về, hòa thượng đã nghiên cứu tìm cách khắc những bài kinh bằng tiếng Việt lên phiến đá.
Cũng theo Hòa thượng Thích Phước Cẩn, khi bắt đầu thực hiện, nhiều Phật tử là kiến trúc sư, nhà mỹ thuật góp ý, đưa ra ý tưởng để bài trí sao cho khoa học, đẹp mắt. Sau đó mới quyết định làm vườn kinh Pháp cú là tinh hoa của Phật giáo do cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Việt Nam, dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt.
Vườn kinh Pháp cú nằm trong khuôn viên Tổ đình Phước Hậu của chùa Phước Hậu, bao gồm: 213 phiến đá màu xanh, kích thước 1,2 x 0,9m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt được sắp xếp theo hình 8 lá bồ đề thể hiện bát chánh đạo, nói lên con đường 8 nhánh đức Phật gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định đã dạy cho chúng ta thực hành tu theo đó nhằm an lạc.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, nơi đây đã thu hút Phật tử cả nước đến tham quan. Khi đến vùng Trà Ôn và Tam Bình, nhiều người tìm đến chùa Phước Hậu. Khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước từ tuyến Vĩnh Long xuống hay Cần Thơ qua đi đường sông thì họ tới chùa Phước Hậu.