Tìm thấy ‘thần mộc’ quý hiếm ngàn năm có giá lên tới 1.800 tỷ đồng, chuyên gia vào cuộc
Các chuyên gia đã nhận định đây là một khúc gỗ quý hiếm có tuổi đời khoảng 1.000 năm.
Năm 2013, ông Lương Tài, một nông dân ở thị trấn Tây Cương, huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, tình cờ phát hiện một khúc gỗ đen lớn trồi lên khỏi lớp bùn ven sông. Khi tiến lại gần quan sát, ông nhận thấy dù đã ngâm nước từ lâu, khúc gỗ này không hề bốc mùi hôi thối như gỗ mục thông thường mà lại tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng. Cảm thấy có điều đặc biệt, ông quyết định thuê máy móc để khai quật và trục vớt.

Tuy nhiên, việc đưa khúc gỗ lên không hề đơn giản do kích thước quá lớn. Khi ông Lương miệt mài với công việc trục vớt, tin tức về phát hiện này nhanh chóng lan ra khắp làng, thu hút sự tò mò của người dân. Ban đầu, không ít người tỏ ra hoài nghi, thậm chí cười nhạo sự kiên trì của ông. Nhưng kết quả cuối cùng lại khiến tất cả sửng sốt.
Sau hai ngày nỗ lực, khúc gỗ đen khổng lồ dài tới 24m cuối cùng cũng lộ diện hoàn toàn. Các chuyên gia khi thẩm định đã không khỏi kinh ngạc khi xác nhận đây là một khúc gỗ âm trầm có tuổi đời khoảng 1.000 năm.

Gỗ âm trầm là một loại gỗ vô cùng quý hiếm, được hình thành qua hàng nghìn năm trong môi trường thiếu oxy, chủ yếu dưới lòng sông hoặc các vùng bùn lầy. Dưới tác động của vi sinh vật và áp suất tự nhiên, thay vì bị mục rữa, loại gỗ này lại trở nên cứng chắc hơn, mang sắc đen đặc trưng cùng hương thơm dịu nhẹ.
Theo ước tính của các chuyên gia, khúc gỗ mà ông Lương phát hiện có giá trị lên tới 500 triệu NDT, tương đương hơn 1.752 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tầm quan trọng về mặt lịch sử và nghiên cứu, họ khuyến nghị ông bàn giao khúc gỗ cho chính quyền để bảo tồn, đổi lại ông sẽ nhận được một khoản bồi thường thỏa đáng.

Không chỉ mang giá trị kinh tế lớn, phát hiện này còn góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu khảo cổ, giúp làm sáng tỏ những biến đổi của lòng sông cũng như môi trường sinh thái tại khu vực Tu Thủy, Giang Tây.
Loại gỗ là “Đông Phương Thần Mộc” quý hiếm bậc nhất
Gỗ âm trầm là một loại gỗ quý hiếm, được hình thành từ những cây cổ thụ đã bị chôn vùi hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm dưới lòng sông hoặc trong bùn lầy do biến động địa chất. Trong suốt quá trình này, gỗ bị cô lập hoàn toàn khỏi không khí, nằm trong môi trường giàu axit và vi sinh vật. Nhờ điều kiện đặc biệt đó, cấu trúc của gỗ không những không bị phân hủy mà còn được tái tạo, trở nên bền chắc với sắc đen sẫm đặc trưng như than.

Loại gỗ này có thể mang nhiều gam màu khác nhau, từ nâu, xám, đen đến xanh đen hoặc tím, tùy thuộc vào quá trình cacbon hóa theo thời gian. Được hình thành từ những cây cổ thụ ngâm mình trong nước suối từ thời xa xưa, gỗ âm trầm được tôn vinh với danh hiệu đầy trang trọng là "Đông Phương Thần Mộc".


Từ lâu, gỗ âm trầm đã được xem là một trong những loại gỗ quý hiếm bậc nhất, đặc biệt trong các triều đại Minh và Thanh. Khi đó, loại gỗ này chỉ được sử dụng trong cung đình, phục vụ việc xây dựng hoàng cung hoặc chế tác quan tài cho các bậc đế vương. Không chỉ mang giá trị vật chất, gỗ âm trầm còn là báu vật thiên nhiên ban tặng, chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Sự quý giá của gỗ âm trầm đến từ độ khan hiếm và tuổi đời lên đến hàng nghìn năm. Càng lâu năm, giá trị của gỗ càng cao. Tuy nhiên, việc khai thác loại gỗ này vô cùng gian nan, đòi hỏi không chỉ kỹ thuật mà còn cả yếu tố may mắn, bởi chúng thường nằm sâu trong lòng sông hoặc địa hình hiểm trở. Chính vì thế, gỗ âm trầm được ví như một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu ái dành cho con người.
Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi là 'kho vàng', được trả giá gần nghìn tỷ
Ngôi nhà chứa 200 tấn gỗ quý trị giá 2.800 tỷ đồng, chuyên gia nhấn mạnh ‘không thể phá’