WHO cảnh báo toàn cầu về một loại virus mới bùng phát, Trung Quốc tăng cường giám sát nhập cảnh
Các chuyên gia y tế cảnh báo về nhiều "điều chưa biết" xung quanh đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới nhất, đặc biệt là sự xuất hiện của một biến thể phụ mới có thể làm tăng khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Mpox, hay còn được gọi là bệnh đậu mùa khỉ, là bệnh nhiễm trùng do virus lây lan qua tiếp xúc gần, gây ra triệu chứng giống cúm và các tổn thương chứa đầy mủ. Mặc dù thường nhẹ, bệnh này vẫn có thể gây tử vong.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu, cho biết đợt bùng phát này "không phải là Covid mới" và có thể được kiểm soát thông qua hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng chủng virus mới có thể lây lan nhanh hơn và gây tử vong cao hơn so với đợt bùng phát đầu năm 2022.
Tuần trước, WHO đã tuyên bố Mpox là tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu sau khi dịch bệnh lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo sang các nước láng giềng. Các ca bệnh mới cũng được phát hiện ở những quốc gia chưa từng ghi nhận Mpox, đặc biệt là một biến thể phụ mới đang lây lan chủ yếu ở những người trẻ tuổi thông qua quan hệ tình dục.
Giáo sư Trudie Lang từ Đại học Oxford nhấn mạnh: "Nhóm 1b mới xuất hiện gần đây và còn nhiều điều chưa biết cần được giải quyết. Có bằng chứng ngày càng rõ ràng về sự khác biệt trong quá trình lây truyền và triệu chứng của bệnh."
Nghiên cứu viên Jonas Albarnaz từ Viện Pirbright nhận định rằng biến thể mới này cần được nghiên cứu thêm để "cung cấp thông tin cho các chiến lược kiểm soát" dịch bệnh.
Khả năng bùng phát toàn cầu của Mpox
Clade 1 của virus Mpox đã được biết là gây ra bệnh nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch. Điều này đã thúc đẩy sự bùng phát ở những quốc gia có tình trạng sức khỏe phổ biến hơn và hệ thống chăm sóc y tế kém phát triển.
Mpox, trước đây gọi là bệnh đậu mùa khỉ, được phân loại thành hai nhóm riêng biệt: nhóm 1 và nhóm 2. Bệnh này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm, động vật hoặc vật dụng bị nhiễm.
Đợt bùng phát năm 2022 do nhóm 2 gây ra, dẫn đến khoảng 100.000 ca bệnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay một phiên bản của nhóm 1 đã lan ra quốc tế, sau khi bắt đầu từ Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 1/2023.
Khi đưa ra tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "rõ ràng cần có phản ứng quốc tế phối hợp để ngăn chặn các đợt bùng phát này và cứu sống con người".
Tuần trước, Thụy Điển đã báo cáo trường hợp đầu tiên được biết của nhóm 1 bên ngoài châu Phi. Ngày 19/8, Philippines cũng báo cáo 12 trường hợp đầu tiên của mpox kể từ tháng 12/2022, mặc dù chủng virus vẫn chưa được xác định.
Brian Ferguson, Phó Giáo sư Miễn dịch học tại Đại học Cambridge, cho biết: "Do Mpox nghiêm trọng hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch, nên điều đáng lo ngại là đợt bùng phát hiện nay diễn ra ở khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV tương đối cao nhưng khả năng tiếp cận thuốc kháng vi-rút lại kém."
Các xung đột xảy ra ở một số khu vực châu Phi - như Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi có nhiều người dân phải di dời đến các trại tị nạn - cũng đang làm cho điều kiện vệ sinh trở nên tồi tệ hơn, thúc đẩy quá trình lây lan.
Tính đến nay trong năm 2023, WHO đã ghi nhận hơn 15.000 ca và ít nhất 537 ca tử vong do dịch bùng phát tại DRC, cùng với nhiều trường hợp khác được báo cáo ở những nơi khác.
Ferguson cho rằng nhiều ca bệnh chưa được xác định có thể sẽ được phát hiện trong thời gian tới, do thiếu các biện pháp kiểm soát lây lan giữa các quốc gia. Ông cũng cho rằng các bài học từ đợt bùng phát trước đó chưa được rút ra đầy đủ.
Công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch - một trong số ít công ty có vắc-xin mpox được phê duyệt - cho biết sẽ quyết định trong tuần này về việc tăng cường sản xuất vắc-xin này, ngay cả trước khi có đơn đặt hàng.
Các nhân viên y tế tại trung tâm điều trị Mpox thuộc Bệnh viện Đa khoa Nyiragongo, phía bắc Goma, châu Phi vào ngày 17/8/2024.
Phản ứng của châu Á
Các quốc gia châu Á đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh Mpox sau khi WHO gần đây tuyên bố đợt bùng phát gia tăng ở châu Phi là “tình trạng khẩn cấp” về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Cơ quan hải quan Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường giám sát tại các cảng nhập cảnh. Những người đến từ các quốc gia và khu vực có ca mắc Mpox phải khai báo tình trạng sức khỏe với hải quan. Các phương tiện giao thông và hàng hóa từ các khu vực này cũng sẽ được khử trùng.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đang theo dõi chặt chẽ tình hình Mpox. Tính đến ngày 18/8, không có ca nhiễm mới nào được báo cáo ở Ấn Độ. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia đã họp với các chuyên gia để đánh giá rủi ro và thông báo cho các nhóm y tế tại sân bay. Các cơ quan y tế của Ấn Độ đã triển khai tăng cường giám sát và nâng cao năng lực xét nghiệm, tuy nhiên các hoạt động y tế vẫn bị trì trệ do làn sóng biểu tình - đình công của các y bác sĩ.
Tại Nhật Bản, các quan chức Chính phủ đã họp để thảo luận về các hành động tiềm năng, bao gồm việc thu thập dữ liệu từ các quốc gia có dịch và nâng cao nhận thức về Mpox cho du khách trong nước và quốc tế. Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Tokyo đang chuẩn bị gửi vắc-xin do Nhật Bản sản xuất đến Congo.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc nhận định tình hình "có thể kiểm soát được" nhưng vẫn sẽ tăng cường các biện pháp giám sát và kiểm dịch. Hàn Quốc cũng có kế hoạch đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức về virut này.
Theo CNBC
>>'Bệnh X' được WHO đánh giá nguy hiểm gấp 20 lần Covid-19 là gì?
Anh từ chối ký hiệp định của WHO về đại dịch
Số trẻ mắc bệnh hô hấp ở Trung Quốc tăng, WHO không khuyến nghị hạn chế đi lại