Thế giới

Ngành dệt may nền kinh tế số 1 Đông Nam Á lâm nguy vì ông Trump áp thuế cao: 70.000 người thất nghiệp, mất lợi thế vào tay Việt Nam

Đăng Đức 12/07/2025 - 11:50

Ngành công nghiệp dệt may Indonesia đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh đơn hàng và sa thải hàng loạt lao động sau khi Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu 32%.

Thuế quan của ông Trump đe dọa ngành dệt may Indonesia, cơ hội của hàng Việt Nam ra sao?

Ông Danang Girindrawardana, Giám đốc điều hành Hiệp hội Dệt may Indonesia (API), cảnh báo rằng nếu Chính phủ nước này không kịp thời đàm phán thành công với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước thời hạn ngày 1/8/2025, mức thuế nhập khẩu cao tới 32% có thể buộc các nhà sản xuất trong nước cắt giảm sản lượng và sa thải lao động để duy trì hoạt động.

Mỹ hiện chiếm khoảng 40% thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Ngành dệt may nền kinh tế số 1 Đông Nam Á lâm nguy vì ông Trump áp thuế cao: 70.000 người thất nghiệp, mất lợi thế vào tay Việt Nam - ảnh 1
Công nhân Indonesia đang miệt mài làm việc tại một nhà máy dệt may - Ảnh: Jakarta Globe

“Nếu mức thuế 32% được áp dụng, sản lượng sẽ giảm và người lao động sẽ là những đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp tiết kiệm chi phí. Chúng tôi không mong điều này xảy ra, nhưng phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”, ông Danang nói hôm thứ Năm (10/7).

>> Nóng: Ông Trump gửi thư, tuyên bố áp thuế 25% với Nhật - Hàn từ 1/8

Giám đốc điều hành của API còn ước tính từ 50.000 - 70.000 người lao động có thể mất việc nếu mức thuế nhập khẩu của Mỹ vẫn được giữ nguyên, điều này sẽ giáng đòn mạnh vào lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động của Indonesia. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, gần 30 công ty dệt may ở Indonesia đã phải sa thải 120.000 công nhân do kinh tế toàn cầu suy thoái.

Đáng lo ở chỗ, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2025, ít nhất 70.000 người lao động “xứ sở vạn đảo” đã mất việc, gần bằng mức tăng tới 80.000 người thất nghiệp ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 2 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, theo số liệu của Đảng Lao động và một liên minh công đoàn Indonesia. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của Chính phủ nước này chỉ ghi nhận 24.000 trường hợp bị sa thải tính đến tháng 5 năm 2025.

Tờ Jakarta Globe nhận định, ngành dệt may Indonesia còn chịu bất lợi khi so với các đối thủ như Việt Nam, nơi được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn. Năng lực sản xuất lớn hơn của Việt Nam cũng làm tăng lợi thế cạnh tranh của “đất nước hình chữ S” so với Indonesia.

Ông Danang kêu gọi Chính phủ “xứ sở vạn đảo” cần nhanh chóng đàm phán với Mỹ để điều chỉnh thuế theo từng ngành nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Vị Giám đốc điều hành của API cho rằng việc yêu cầu chính quyền của ông Trump miễn toàn bộ thuế nhập khẩu là không thực tế, nhưng Chính phủ Indonesia có thể thương lượng để áp dụng mức thuế thấp hơn với các ngành có chỉ số cạnh tranh thấp, trong khi vẫn duy trì mức thuế cao với các ngành mà Indonesia có thế mạnh.

“Thương lượng mức thuế 32% theo từng ngành có thể giúp chúng ta đạt được các mức thuế khác nhau”, ông Danang nói. “Chúng ta cần một ngành đầu tàu như dệt may để củng cố quan hệ thương mại với Mỹ”.

>> Một nước Đông Nam Á bất ngờ áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng sắt thép của Việt Nam, mức thuế tối đa gần 58%

Theo trang Berita Satu Research, hàng may mặc sẵn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia sang Mỹ, với giá trị đạt 1,27 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2025. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu khác bao gồm giày thể thao, dầu cọ, hàng dệt kim và giày dép.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 111,98 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 24,25 tỷ USD, tiếp theo là Mỹ với 12,11 tỷ USD.

Chính phủ Indonesia cũng đã cử Bộ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế, ông Airlangga Hartarto tới Washington để đàm phán với Đại diện Bộ Thương mại Mỹ nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán, tập đoàn năng lượng Nhà nước Indonesia Pertamina, thông qua chi nhánh lọc hóa dầu Kilang Pertamina Internasional, đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác trong tuần này với ExxonMobil, Chevron và KDT Global Resources. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng hợp tác với Mỹ của Indonesia, bao gồm các thỏa thuận tiềm năng lên đến 34 tỷ USD, trong đó 15,5 tỷ USD dành cho nhập khẩu năng lượng.

Làn sóng sa thải hàng loạt sắp diễn ra?

Ông Benny Soetrisno, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Indonesia (GPEI) cho biết mức thuế cao từ Mỹ có thể khiến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Indonesia giảm, dẫn đến nguy cơ mất việc làm ở một ngành vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường “xứ sở cờ hoa”.

“Mỹ không còn ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động vì chi phí lao động quá cao. Các sản phẩm như hàng may mặc hoàn chỉnh, giày thể thao, linh kiện điện tử, đồ nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ từ Indonesia có thể đều bị ảnh hưởng bởi mức thuế này”, ông Benny phát biểu trong chương trình Investor Market Today của mạng truyền hình kỹ thuật số Berita Satu hôm thứ Tư (9/7).

Ngành dệt may nền kinh tế số 1 Đông Nam Á lâm nguy vì ông Trump áp thuế cao: 70.000 người thất nghiệp, mất lợi thế vào tay Việt Nam - ảnh 2
Công nhân rời khỏi nhà máy dệt may Sritex ở Sukoharjo, Trung Java, Indonesia vào ngày 28/2/2025. Doanh nghiệp này đã thông báo sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động sau phán quyết phá sản. - Ảnh: Antara/Mohammad Ayudha

Ông Benny cảnh báo rằng mức thuế nhập khẩu 32% của Mỹ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành sử dụng nhiều lao động ở Indonesia. Nhu cầu chậm lại từ nền kinh tế lớn nhất thế giới do thuế nhập khẩu cao hơn có thể buộc các nhà sản xuất Indonesia phải cắt giảm quy mô sản xuất, kéo theo việc cắt giảm biên chế với hàng loạt người lao động.

“Chúng tôi chắc chắn không muốn chứng kiến cảnh sa thải hàng loạt”, ông Benny nói, đồng thời bày tỏ hy vọng Chính phủ Indonesia sẽ có các biện pháp hỗ trợ tương tự như trong thời kỳ đại dịch Covid-19 để giảm thiểu tác động.

Theo Jakarta Globe

>> Nóng: Thêm 7 quốc gia nhận thư áp thuế cao từ ông Trump, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang

‘Vua gà rán’ KFC vội vã thoái vốn ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đã xảy ra?

Mua hơn 1 triệu tấn lúa mì Mỹ mỗi năm, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á toan tính gì?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nganh-det-may-nen-kinh-te-so-1-dong-nam-a-lam-nguy-vi-ong-trump-ap-thue-cao-70000-nguoi-that-nghiep-mat-loi-the-vao-tay-viet-nam-146606.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành dệt may nền kinh tế số 1 Đông Nam Á lâm nguy vì ông Trump áp thuế cao: 70.000 người thất nghiệp, mất lợi thế vào tay Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH