Thế giới

Mỹ bị Trung Quốc bỏ xa ở một lĩnh vực quan trọng: Chuyên gia cảnh báo cách biệt đã thành ‘vực sâu’, cơ hội chỉ còn tính bằng tháng

Ngọc Hân 12/07/2025 - 10:27

Nếu không có thay đổi quyết liệt, vị trí dẫn đầu toàn cầu trong đổi mới và khoa học của Mỹ có thể sẽ thuộc về Trung Quốc. Và lần này, nó sẽ là vĩnh viễn.

Trung Quốc đang gia tăng lợi thế trong cuộc đua thống trị khoa học toàn cầu, để lại Mỹ phía sau với khoảng cách ngày càng khó san lấp. Theo bảng xếp hạng Nature Index 2025 do tạp chí danh tiếng Nature công bố, Bắc Kinh không chỉ duy trì vị trí dẫn đầu về số lượng nghiên cứu chất lượng cao mà còn nới rộng cách biệt đến mức được ví như “một vực sâu”.

Từ năm 2023, Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ về mức độ đóng góp vào các công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu. Đến năm nay, xu hướng ấy không những không dừng lại mà còn tăng tốc.

Cụ thể, số lượng bài nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học sức khỏe và khoa học tự nhiên đến từ Trung Quốc tăng 17,4% còn Mỹ chứng kiến mức sụt giảm 10,1%.

Mỹ bị Trung Quốc bỏ xa ở một lĩnh vực quan trọng: Chuyên gia cảnh báo cách biệt đã thành ‘vực sâu’, cơ hội chỉ còn tính bằng tháng - ảnh 1
Trung Quốc đang ngày càng nới rộng khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua dẫn đầu khoa học toàn cầu. Ảnh: Yahoo

Tính theo điểm đóng góp tác giả – một chỉ số phản ánh mức độ tham gia của nhà nghiên cứu trong các công trình khoa học – Trung Quốc đạt 32.122 điểm trong năm 2024, bỏ xa Mỹ với chỉ 22.083 điểm.

Mỹ ghi nhận sự sa sút rõ rệt ở các lĩnh vực vốn là thế mạnh như vật lý (-10,6%), hóa học (-11,6%), y học (-2,7%) và sinh học (-5,4%). Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng tới 20,4% riêng trong ngành sinh học.

Mỹ tụt dốc vì chính sách "tự trói tay"?

Sự thụt lùi của Mỹ được cho là kết quả của hàng loạt chính sách cắt giảm ngân sách nghiên cứu, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dự thảo ngân sách năm 2026 đề xuất cắt sâu vào các cơ quan chủ chốt như Viện Y tế Quốc gia (NIH) với mức cắt giảm 40%, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) là 55% và 57% cho Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) – ba trụ cột tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học ở Mỹ.

Thậm chí, chính quyền ông Trump từng tạm ngưng khoản tài trợ trị giá 2,2 tỷ USD dành cho Đại học Harvard và đe dọa hạn chế tuyển sinh sinh viên quốc tế – động thái khiến cộng đồng học thuật Mỹ không khỏi lo lắng.

Trung Quốc âm thầm tăng tốc

Trái ngược với tình trạng giậm chân tại chỗ của Mỹ, Trung Quốc đã có hơn một thập kỷ đầu tư bài bản vào khoa học – công nghệ. Nghiên cứu của Đại học Georgetown chỉ ra rằng đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có khoảng 77.000 tiến sĩ tốt nghiệp mỗi năm trong lĩnh vực STEM, gần gấp đôi Mỹ. Theo Tổ chức Đổi mới & Công nghệ Thông tin (ITIF), số lượng nhà nghiên cứu của Trung Quốc hiện đã vượt cả Mỹ và toàn bộ Liên minh châu Âu cộng lại.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia phương Tây khác cũng đang chứng kiến sự tụt hạng trong bảng xếp hạng Nature Index. Canada, Anh và Pháp đều giảm hơn 9%.

Ngược lại, các nước châu Á như Hàn Quốc và Singapore đang nổi lên như những điểm sáng nhờ hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học Trung Quốc. Hàn Quốc hiện đứng thứ 7 toàn cầu với mức tăng 11% trong nghiên cứu sinh học, còn Singapore tăng tới 23% trong lĩnh vực y khoa.

Cửa sổ cơ hội cho Mỹ đang khép lại

Nature lưu ý Mỹ vẫn có thể giành lại vị thế dẫn đầu, nhưng thời gian không còn nhiều khi cơ hội chỉ còn kéo dài đến hết năm sau. Nếu không có những chính sách kịp thời và mạnh mẽ, ngôi vương trong lĩnh vực khoa học và đổi mới toàn cầu sẽ chuyển hẳn sang châu Á, và lần này có thể là vĩnh viễn.

Ông Sudip Parikh, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vì sự Tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS), cảnh báo: “Tiếp tục đi theo con đường chính sách hiện tại đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút khỏi cuộc đua sáng tạo toàn cầu”.

Trong khi đó, Trung Quốc đang không ngừng tìm cách thu hút các nhà khoa học gốc Hoa đang làm việc ở phương Tây trở về bằng những ưu đãi hấp dẫn: từ phòng thí nghiệm hiện đại, tài trợ hào phóng đến môi trường làm việc ổn định.

Nếu xu thế này không đảo ngược, thế giới có thể chứng kiến sự chuyển mình lịch sử từ “kỷ nguyên Thung lũng Silicon” sang thời đại của Thâm Quyến, Bắc Kinh hay Hàng Châu – những trung tâm công nghệ của Trung Quốc.

>> Chịu thuế 190% vẫn không thể rời Trung Quốc: Bài toán nan giải của các doanh nghiệp Mỹ

Loạt sức ép mới giáng xuống kinh tế Trung Quốc, chuyên gia kêu gọi ‘kích cầu bằng mọi giá’

Đất hiếm không còn hiếm: Mỹ ký thỏa thuận lịch sử đe dọa vị thế Trung Quốc, loạt cổ phiếu tăng dựng đứng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-bi-trung-quoc-bo-xa-o-mot-linh-vuc-quan-trong-chuyen-gia-canh-bao-cach-biet-da-thanh-vuc-sau-co-hoi-chi-con-tinh-bang-thang-146589.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ bị Trung Quốc bỏ xa ở một lĩnh vực quan trọng: Chuyên gia cảnh báo cách biệt đã thành ‘vực sâu’, cơ hội chỉ còn tính bằng tháng
    POWERED BY ONECMS & INTECH