Xã đảo duy nhất giữa lòng Thủ đô: Sở hữu địa hình biệt lập độc đáo, năm 2024 mới có nước sạch
Trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đã có nhiều cán bộ, công chức dậy sớm để kịp chuyến đò qua sông đến với xã đảo duy nhất giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Nằm giữa bãi bồi của sông Hồng, nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô, xã Minh Châu là xã đảo duy nhất của Thủ đô Hà Nội. Trước đây, xã Minh Châu thuộc huyện Ba Vì, cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 60km.
Toàn xã rộng hơn 560ha với trên 1.400 hộ dân, ứng với 6.500 nhân khẩu.
Vì nằm ở bãi giữa của sông Hồng, nên mỗi khi mùa nước lên, xã Minh Châu trở thành "ốc đảo", bị cô lập hoàn toàn, việc đi lại của người dân sẽ phụ thuộc vào thuyền, phà.
>> Từ ngày mai, 2 'thành phố trong thành phố' của Việt Nam chính thức ngừng hoạt động

Theo ghi nhận trên báo Tiền Phong, gần 7h ngày 1/7, nhiều cán bộ, công chức xã đã có mặt tại bến đò Chu Minh, chuẩn bị vượt sông Hồng, vào làm việc tại xã đảo Minh Châu.
Được thành lập vào ngày 5/5/1955, ban đầu gồm ba thôn: Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu. Do thường xuyên bị ngập lụt, năm 1972, thôn Liễu Châu được tách ra và sáp nhập vào thị trấn Tây Đằng.
Đến ngày 16/6/2025, theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Minh Châu mới được thành lập lại, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Minh Châu cũ, cùng một phần diện tích của thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh.

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của xã, chiếm tỷ trọng lớn. Người dân chủ yếu trồng các loại cây như ngô, đậu, chuối, đu đủ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh với hơn 2.200 con, sản xuất hơn 20 tấn sữa mỗi ngày.
Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 422 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 64,5 triệu đồng.
Xã Minh Châu từng là địa phương cuối cùng của tỉnh Hà Tây cũ được cấp điện lưới quốc gia vào năm 2000. Đến năm 2005 mới có sóng điện thoại và năm 2015-2016 mới được phủ sóng Internet.
Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến trước Tết Giáp Thìn năm 2024, người dân mới được cấp nước sạch.

Đáng nói, xã đảo duy nhất của Thủ đô không có trường trung học phổ thông, hàng ngày khoảng 400 học sinh phải đi phà qua sông Hồng để đến trường ở trung tâm huyện Ba Vì. Khoảng 30 giáo viên từ các địa phương khác cũng phải di chuyển bằng phà để giảng dạy tại xã.
Vì địa hình biệt lập nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Nơi đây có tiềm năng về công nghiệp và cảnh quan thiên nhiên, nhờ đó, địa phương đang hướng tới phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch và trải nghiệm văn hóa.
Chính quyền địa phương đã xây dựng đề án với cơ chế đặc thù, bao gồm đầu tư giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ học phí và phí đò cho học sinh, khuyến khích giáo viên đến dạy tại xã, và xây dựng cầu nối với tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo báo VnExpress, Minh Châu là xã đảo duy nhất của TP. Hà Nội trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Phà là phương tiện di chuyển duy nhất để từ Thủ đô đi sang xã Minh Châu. Mùa khô, người dân có thể đi qua đập tràn, hướng từ tỉnh Vĩnh Phúc vào xã đảo.

Với vị trí địa lý độc đáo và tiềm năng phát triển, xã Minh Châu hiện đang từng bước vượt qua khó khăn để trở thành điểm sáng về kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Châu Nguyễn Đức Tiến cho rằng trong số hơn 60 cán bộ, công chức xã hiện nay, nhiều người được điều động từ các cơ quan thuộc TP, quận, huyện.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, xã Minh Châu cũng đã bố trí chỗ ăn ở gần trụ sở cho cán bộ công tác lâu dài.
Từ một "ốc đảo" biệt lập giữa lòng Thủ đô, Minh Châu hôm nay đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng và dịch vụ công, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, cùng quyết tâm vươn lên của người dân, vùng đất này đang dần khẳng định vị thế trong bức tranh phát triển chung của Hà Nội.
Minh Châu không chỉ là xã đảo duy nhất, mà còn là biểu tượng cho nghị lực vượt khó, cho khát vọng đổi thay giữa mênh mông sóng nước sông Hồng. Với những chiến lược phát triển đúng hướng, tin rằng trong tương lai gần, Minh Châu sẽ trở thành điểm sáng về kinh tế - văn hóa - du lịch giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.
>> Từ ngày mai, TP có nhiều tên gọi nhất thế giới tại Việt Nam sẽ chính thức dừng hoạt động