Huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu nhờ triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số; góp phần đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.
Ông Bùi Hoàng Huy, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Nhiệm vụ chuyển đổi số được Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để xây dựng chính quyền số, huyện tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông, internet băng thông rộng đã được phủ tới 100% trung tâm xã, thị trấn; 100% máy tính sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) và mạng internet trong giải quyết công việc; 100% phòng, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tiếp nhận văn bản đến và phát hành văn bản đi có ký số trên môi trường mạng.
Toàn huyện có 8/12 điểm cầu truyền hình trực tuyến (cấp huyện 2 điểm cầu, cấp xã 6 điểm cầu). Hệ thống "Phòng họp không giấy tờ” triển khai thực hiện tại cuộc họp trực tuyến của UBND huyện thường kỳ hàng tháng.
Công nghệ thông tin được ứng dụng khá rộng rãi trong các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện quan trọng để huyện nâng cao chỉ số cải cách hành chính, sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện được đầu tư trang thiết bị hiện đại với hệ thống phần mềm giải quyết hồ sơ, từ tiếp nhận đến trả kết quả đảm bảo kịp thời, đúng quy định đối với công dân, tổ chức. Công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.
Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm các dịch vụ: xác thực số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân; xác thực thông tin hộ gia đình và tra cứu thông tin công dân.
Hạ tầng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được triển khai đến 9/10 xã, thị trấn.
Thực hiện mô hình "Đội thanh niên tình nguyện - hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Trong 9 tháng năm nay, toàn huyện tiếp nhận 10.118 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận trực tuyến 9.994 hồ sơ, đạt 98,8%; 7.314 hồ sơ thanh toán trực tuyến, đạt 84,9%; 1.536 hồ sơ trực tuyến toàn trình, đạt 15,28%.
Thời gian tới, huyện Cao Phong tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, tập trung đầu tư trang thiết bị, hệ thống hạ tầng thông tin đảm bảo triển khai hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hoà Bình đã triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh (IOC): Trung tâm IOC cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với 9 nội dung: phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 13.000 tài khoản.
Hiện nay, tỷ lệ số máy tính/CBCC là 100%; Tỉ lệ các đơn vị trực thuộc có mạng LAN là 100%; Tỉ lệ máy tính kết nối internet tốc độ cao (không bao gồm máy tính dùng để soạn thảo tài liệu mật) là 100%; hệ thống sử dụng thiết bị firewall để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Hiện đang sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Cùng với tỉnh Hòa Bình, xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Kiên Giang hướng tới. Quá trình xây dựng, phát triển chính quyền số, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng; công khai, minh bạch, mang đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Tỉnh Kiên Giang cung cấp 1.925 thủ tục hành chính, công khai đầy đủ nội dung theo quy định, kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 1.414 dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh.
Đến ngày 19/7/2023, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 231.132 hồ sơ; trong đó có 98.155 hồ sơ trực tuyến, đạt 42,4%, tăng 29,12% so năm 2022, tỷ lệ thanh toán trực tuyến 16,2%, tăng 6,7% so năm 2022.
Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, theo đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Kiên Giang xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so năm 2022. 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh đều tăng so năm 2022 như 100% thủ tục hành chính được công khai đầy đủ theo quy định; 48,37% hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 100%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận thủ tục hành chính đạt 90,56%...
Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai tại các cơ quan nhà nước, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và 100% ủy ban nhân dân (UBND) huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đáp ứng quy trình nghiệp vụ quy định, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100% (trừ văn bản mật).
Đến nay, tỉnh Kiên Giang hoàn thành tích hợp 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tỉnh triển khai kết nối cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gồm các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; dịch vụ kết nối bưu chính công ích; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử; hệ thống tư pháp - hộ tịch.
Chính quyền số là chính phủ được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).
Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.
Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ
dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh
nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển chính phủ số chính là nói phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đã bao hàm chính phủ điện tử.
"Việt Nam cần xây dựng chính phủ AI, thành phố AI"
Hạ tầng viễn thông đóng góp lớn giúp Việt Nam tăng 15 bậc về Chính phủ điện tử