Đến năm 2030, kinh tế số TPHCM đạt 50% GRDP
TPHCM cũng phấn đấu thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; thuộc nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chiều 17/1, Sở TT&TT TPHCM đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TPHCM thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo(ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia.
Phủ sóng 5G đạt 99% toàn thành phố
Để triển khai Nghị quyết 57, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa TPHCM là địa phương có thu nhập cao nhất cả nước.
Cụ thể, quy mô kinh tế số đạt 50% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); là Trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước…
Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành ít nhất 5 trung tâm xuất sắc đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5 – 10 doanh nghiệp công nghệ lớn; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST đạt 8 - 10%.
Phấn đấu thuộc nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh, thuộc nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Phát triển xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao trong cả nước; thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.
Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, thông tin di động 5G, 6G và một số công nghệ mới nổi.
Duy trì vị thế dẫn đầu về hạ tầng tính toán, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, đạt tỉ lệ 100% người sử dụng có khả năng truy nhập băng rộng cố định với tốc độ trên 1Gb/s. Phủ sóng 5G đạt 99%.
Đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao khu vực Đông Nam Á, với hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bền vững.
Quyết liệt triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng khẳng định, TPHCM và Hà Nội là hai địa bàn chiến lược thực hiện các nội dung của Nghị quyết 57.
TPHCM cũng đặt mục tiêu phát triển dựa trên Khoa học Công nghệ, ĐMST… do đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị rất quan trọng cho sự phát triển đột phá của Thành phố.
Ông Thắng cũng thông tin, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan phải quyết liệt triển khai Nghị quyết này, không chậm trễ.
Theo đó, Sở TT&TT cũng đã có các bước làm việc với các Tập đoàn công nghệ lớn, làm việc Hội Tin học TPHCM và hôm nay làm việc với các chuyên gia, sở ngành để nghe thêm ý kiến góp ý cho các mục tiêu của Thành phố trong việc triển khai Nghị quyết nói trên.
“Tinh thần là khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt cho việc triển khai nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, để TPHCM phát triển đột phá mà Nghị quyết đã định hướng”, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
Góp ý tại hội nghị, chuyên gia công nghệ Nguyễn Văn Phương, Trưởng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quản lý Công, Trường Đại học Quốc tế, yêu cầu phải phân định rõ ràng, lãnh đạo Thành phố sẽ định hướng các chính sách hay là chủ thể của hành động.
Ông cũng băn khoăn, hiện chuyển đổi số của Thành phố triển khai rộng, đa dạng, tuy nhiên, còn nhiều bất cập; theo đó, chuyển đổi số còn mang tính hành chính hóa, kể cả dịch vụ công. Chẳng hạn, việc thực hiện hồ sơ trên dịch vụ công còn phức tạp vô cùng.
"Như tôi rành công nghệ mà còn gặp khó, nói gì đến người dân”, ông Phương nói
Theo ông Phương, để triển khai các mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết 57, TPHCM cần giải quyết các bất cập về chuyển đổi số như trên. Cần đánh giá lại từng hệ thống dịch vụ công cụ thể, để xem công tác chuyển đổi số của thành phố đạt đến đâu, đạt yêu cầu chưa? Làm như vậy mới có thể triển khai được những mục tiêu xa hơn. Đồng thời, TPHCM cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu triển khai nghị quyết. Trong đó, phải có chính sách đào tạo phổ cập về AI.
Còn ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội an toàn thông tin (VNISA) phía Nam khẳng định, để triển khai tốt các mục tiêu theo Nghị quyết 57 mà Thành phố đề ra, nguồn nhân lực đóng vai trò tối quan trọng.
Ông cho rằng, TPHCM có nguồn nhân lực và hạ tầng mạnh hơn các địa phương khác là một lợi thế. Nhưng cần có chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, mục tiêu đặt ra mới có thể tạo được các bước đi đột phá, nhanh. Đơn cử như trong nghiên cứu khoa học, cần mở rộng phạm vi cho người nước ngoài tham gia.
“Để thu hút được nguồn nhân lực, cần tạo điều kiện về thu nhập, vinh danh với các giải thưởng lớn… mới có thể thu hút được các chuyên gia hàng đầu về công nghệ đến với Thành phố”, ông Khang nói.
Theo ông, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số và trí tuệ nhân tạo như đã đề ra, dữ liệu là điều quan trọng nhất.
Một số chuyên gia khác đề nghị, khi triển khai Nghị quyết 57, Thành phố cần hấp thụ thêm các chính sách trong Nghị quyết 98, để có thêm các chính sách đặc thù khi triển khai.
>>Vùng đồng bằng sở hữu tới 4 tỉnh thành có GRDP tăng trưởng 2 con số, FDI cao nhất cả nước
Nền kinh tế số 1 thế giới lao đao vì... thiếu trứng
Hàng loạt 'kỳ lân' công nghệ Việt xuất khẩu tỷ đô, trở thành ngôi sao mới trên bản đồ kinh tế số