Xây dựng Hòa Bình (HBC) tích cực đòi nợ, 158 tỷ đồng sắp chảy vào tài khoản
Nợ xấu của Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm 421 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Mới đây, nhờ thắng trong 1 vụ kiện, HBC tiếp tục đòi được 158 tỷ đồng công nợ.
Theo nguồn tin từ Tuổi Trẻ Online, sáng ngày 26/7, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1, TP. HCM cho biết đã nhận được 158 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) chi nhánh Phú Nhuận. Đây là số tiền mà 1 công ty bất động sản buộc phải thanh toán cho Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) theo bản án phúc thẩm của TAND TP. HCM ngày 27/5.
Trong giai đoạn gần đây, Xây dựng Hòa Bình liên lục khởi kiện nhiều doanh nghiệp để đòi các khoản công nợ. Như vào tháng 2/2024, HBC đòi được 10,3 tỷ đồng cũng từ một công ty bất động sản khác ở TP. HCM. Hay vào cuối năm 2023, HBC thu hồi khoảng 304 tỷ đồng từ FLC liên quan đến dự án FLC Sầm Sơn. Ngày 12/10/2023, TAND TP. Quy Nhơn chấp nhận toàn bộ yêu cầu của HBC, buộc Công ty TNHH Vì Khoa Học thanh toán hơn 100 tỷ đồng. Trước đó một ngày, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng ra phán quyết CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Hòa Bình gần 162 tỷ đồng.
Sau khi vốn chủ sở hữu về còn 93,4 tỷ đồng vào ngày 31/12/2023 (do lỗ lũy kế 3.240,3 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình đã lên kế hoạch lại vị thế, mục tiêu đến năm 2026 đưa VCSH lên mốc 7.165 tỷ đồng, tức tăng 77 lần. Trong đó, Tập đoàn dự kiến đòi được 938 tỷ đồng tiền nợ đã trích lập dự phòng trước đó.
Tại thời điểm ngày 30/6, nợ xấu của Hòa Bình là 2.055,5 tỷ đồng, giảm 421 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Cùng với việc bán các tài sản cố định được hơn 500 tỷ đồng và thành công hoán đổi hơn 730 tỷ đồng tiền nợ đối tác thành cổ phiếu, Hòa Bình tăng vốn chủ sở hữu lên 1.566,9 tỷ đồng (gấp 17 lần ngày đầu năm).
Nhìn lại những phát ngôn đáng chú ý của ông Trịnh Văn Quyết trước phiên luận tội chiều nay (26/7)
Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2024, lợi nhuận tăng 379%