Xã hội

Xe đưa đón học sinh: trả giá đắt mới được quan tâm đúng mức

Ngọc Hải 03/06/2024 - 07:23

Năm 2019, sau vụ một học sinh bị bỏ quên dẫn đến tử vong trên xe đưa đón của trường, dư luận đã dấy lên làn sóng khẩn thiết kiến nghị các cấp chức năng có những quy định cụ thể đối với xe chở học sinh.

Nhưng cho đến hôm nay, 5 năm sau làn sóng đó và cái giá phải trả cho sự chậm trễ là một sinh mạng nữa, xe chở học sinh vẫn đang chờ được quan tâm đúng mức.

Khó hay lãng quên?

Xe chở học sinh đang ngày càng gia tăng về số lượng, đặc biệt là ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Lâu nay loại hình này vẫn được xếp chung vào nhóm xe hợp đồng chở người, hoàn toàn không có các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng, dù chức năng, nhiệm vụ của nó rất đặc thù.

Cần bảo đảm sự an toàn của học sinh trong sử dụng phương tiện giao thông đưa đón các em tới trường. Ảnh: Việt Dũng
Cần bảo đảm sự an toàn của học sinh trong sử dụng phương tiện giao thông đưa đón các em tới trường. Ảnh: Việt Dũng

Học sinh là nhóm hành khách nhỏ tuổi, thiếu kỹ năng, khả năng ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Khi bị bỏ quên trên xe hay gặp bất cứ sự cố nào, các em nhỏ đều cần có sự quan tâm hỗ trợ, bảo vệ của người lớn. Nhưng không có các quy định cụ thể của pháp luật, nhiều người lớn lại rất lơ là, tắc trách trong việc đưa đón, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.

Năm 2019, cả xã hội bàng hoàng trước thông tin một em nhỏ tử vong trên xe đưa đón của Trường Tiểu học Gateway (TP Hà Nội) do bị bỏ quên nhiều giờ và không biết cách nào để thoát ra.

Ngay thời điểm đó, đông đảo tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị phải có hệ thống quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với xe và người đưa đón học sinh. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề xuất Bộ GTVT nhanh chóng phân loại và có kịch bản quản lý riêng cho xe đưa đón học sinh.

Nhưng đến nay sau 5 năm, những kiến nghị đó vẫn chưa được giải quyết, xe chở học sinh vẫn bị quên lãng và cái giá rất đắt phải trả là một học sinh nữa vừa tử vong do bị nhốt trong xe đưa đón của Trường mầm non Hồng Nhung 2 (tỉnh Thái Bình).

Một số cá nhân tắc trách dẫn đến tai nạn thương tâm này đã bị khởi tố, bắt giữ. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để xoa dịu làn sóng hoang mang, phẫn nộ trong dư luận.

Vì sao các loại hình xe vận tải hành khách khác như: xe khách liên tỉnh, taxi, xe du lịch… đều có quy định riêng để quản lý còn xe chở học sinh, dù đã phải trả giá bằng sinh mạng của trẻ nhỏ, vẫn chưa được Bộ GTVT quan tâm đúng mức?

Việc xây dựng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho xe chở học sinh quá khó hay đã bị lãng quên do đánh giá sai vai trò, chức năng và tầm ảnh hưởng của nó?

Thiết nghĩ vụ việc đáng tiếc tại Trường mầm non Hồng Nhung 2 không chỉ là tai nạn hi hữu lần đầu; cơ quan đầu tiên cần phải xem xét trách nhiệm chính là Bộ GTVT - cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất của ngành GTVT. Sau đó là Bộ GD&ĐT - cơ quan đầu não ngành giáo dục cũng đã thiếu đi sự sát sao, quan tâm đối với việc vận chuyển, đưa đón học sinh, vốn là một phần rõ rệt của công tác đào tạo, chăm sóc trẻ em.

Chính việc lơ là, bỏ ngỏ các quy định liên quan của hai Bộ đã khiến loại hình xe chở học sinh nở rộ với vô vàn bất cập trong nhiều năm qua trên khắp cả nước. Có nơi đưa đón học sinh bằng xe đã quá hạn sử dụng, xe không bảo đảm điều kiện an toàn; có nơi dùng cả xe tự chế, xe chuồng cọp để chuyên chở trẻ nhỏ hàng ngày…

Đã quá muộn và không thể muộn hơn

Dự thảo Quy chuẩn QCVN 09: 2024/BGTVT, nội dung liên quan đến xe đưa đón học sinh quy định, xe chở học sinh (School bus) là xe ô tô chở người chuyên dụng được thiết kế để sử dụng vận chuyển không ít hơn 9 học sinh từ trẻ em mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học và người quản lý học sinh.

Bộ Quy chuẩn này đang được Bộ KH&CN thẩm định đã đề ra một số chi tiết riêng biệt, mang tính bắt buộc để nhận diện quản lý. Ví dụ như: xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm; mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học; có mã số... Mặt sau xe phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt xe buýt đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.

Xe chở học sinh không được có các lỗ ở bên trong và bên ngoài xe, các chỗ lồi, lõm, các góc sắc nhọn, các khuyết tật để có thể dễ dàng lọt vào ngón tay của trẻ em và có thể gây thương tích cho học sinh.

Đối với xe chở trẻ em mẫu giáo có số lượng học sinh không quá 45 người; đối với xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở tối đa số lượng học sinh không quá 56 người. Đối với xe chở học sinh có ghế được bố trí từ hàng thứ hai trở đi và được trang bị loại dây đai an toàn hai điểm.

Đặc biệt, lối thoát hiểm trên xe chở học sinh đã được đề xuất quy định phải được mở từ bên trong hoặc bên ngoài, và phải có khóa để đáp ứng việc sơ tán hoặc cứu hộ ra bên ngoài xe trong các tình huống khẩn cấp.

Xe chở học sinh phải bố trí lắp đặt ít nhất một bộ sơ cứu được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu quốc tế và công tắc cảnh báo khẩn cấp trong các trường hợp đặc biệt. Các công tắc cảnh báo khẩn cấp phải được bố trí lắp đặt ở các vị trí dễ quan sát và dễ dàng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, của giám hộ học sinh, và học sinh trên xe. Camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón, trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút. Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/giờ.

Đã quá muộn để cứu vãn những mất mát, rủi ro từ việc thiếu quy định cụ thể quản lý xe chở học sinh. Nhưng không thể để muộn hơn nữa, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện và đưa bộ quy chuẩn nêu trên vào áp dụng.

Bên cạnh đó cũng cần siết chặt quy định đối với giáo viên, lái xe, người giám hộ, đưa đón học sinh trên xe. Bảo vệ trẻ nhỏ là trách nhiệm và nghĩa vụ, lương tâm của toàn xã hội, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Được biết, hiện tại Cục Đăng kiểm Việt Nam mới đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, gọi tắt là QCVN 09: 2024/BGTVT thay thế QCVN 09:2015/BGTVT.

Trong đó có nội dung cụ thể đối với xe chở học sinh. Nhưng đến khi nào hệ thống quy chuẩn này được thông qua và đưa vào áp dụng, liệu nó đã đủ để quản lý chặt chẽ xe chở học sinh, ngăn ngừa các tai nạn thương tâm như vừa qua hay không vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Chấm dứt việc bỏ quên trẻ trên ô tô, sắp có quy chuẩn xe chở học sinh

Bé trai bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình: Bất ngờ về chiếc xe chở học sinh

Khởi tố tài xế và 2 cô giáo vụ bé 5 tuổi tử vong trong xe đưa đón học sinh ở Thái Bình

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/xe-dua-don-hoc-sinh-tra-gia-dat-moi-duoc-quan-tam-dung-muc.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xe đưa đón học sinh: trả giá đắt mới được quan tâm đúng mức
    POWERED BY ONECMS & INTECH