Nhiều mẫu xe sang tại Việt Nam đã thông báo tăng giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng đúng dịp mua săm cuối năm.
Thời điểm hiện tại, thị trường ô tô Việt đang diễn ra hai sắc thái trái ngược nhau, trong khi nhiều dòng xe phổ thông giảm giá kèm ưu đãi để gia tăng doanh số thì không ít mẫu xe sang tăng giá bán lẻ đề xuất.
Loạt xe ô tô hạng sang tăng giá dịp cuối năm
Mới nhất, nhà phân phối hai thương hiệu Jeep và Ram tại Việt Nam bất ngờ khi thông báo tăng giá đồng loạt các mẫu xe kể từ đầu tháng 1/2023, thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Trong số các mẫu xe Jeep, chỉ có bán tải Gladiator giữ nguyên giá 4,248 tỷ đồng. Còn lại, Jeep Wrangler, Ram 1500 hay mẫu xe mới ra mắt tháng 10 tại triển lãm Vietnam Motor Show 2022 là Jeep Grand Cherokee L đều tăng giá, mức từ 108-210 triệu đồng tuỳ phiên bản.
Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2023, dòng Jeep Wrangler sẽ tăng giá từ 200-210 triệu đồng. Sau điều chỉnh, mức giá mới của 4 phiên bản Jeep Wrangler gồm Rubicon 2 cửa, Rubicon 4 cửa, Sahara và Willys/Islander lần lượt sẽ là 4,088 tỷ đồng, 4,088 tỷ đồng, 3,886 tỷ đồng và 3,766 tỷ đồng.
Dòng xe Jeep Grand Cherokee L mới ra mắt cũng sẽ tăng giá từ 108-200 triệu đồng. Kéo giá xe lên 6,38 tỷ đồng và 6,688 tỷ đồng, tương ứng 2 phiên bản Limited và Summit Reserved.
Trong khi đó, giá xe RAM 1500 kể từ 2023 sẽ là 5,788 tỷ đồng, 6,088 tỷ đồng và 8,1 tỷ đồng, tương ứng với 3 phiên bản gồm Laramie Night Edition, Longhorn và TRX, mức tăng 200 triệu đồng so với giá cũ.
RAM 1500 hiện không có đối thủ chính hãng tại Việt Nam, khi các dòng xe bán tải cỡ lớn như Ford F-150 và Toyota Tundra lại chỉ được phân phối thông qua các đại lý tư nhân với giá bán không đồng nhất.
Hiện tại tất cả các mẫu Jeep, RAM phân phối chính hãng tại Việt Nam hiện đều nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ. Thuế cao kèm dung tích động cơ lớn khiến các mẫu xe của hai thương hiệu này có giá đắt, khó tiếp cận số đông khách hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam và Campuchia vẫn là hai thị trường tiêu thụ nhiều xe Jeep nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước Jeep và RAM, Mercedes-Benz cũng đã thông báo tăng giá bán cho 9 mẫu xe với mức tăng từ 50-380 triệu đồng kể từ đầu năm 2023. Tương tự, Volkswagen tăng giá Touareg Luxury và Teramont lần lượt 100 triệu đồng và 150 triệu đồng.
Thời điểm giữa tháng 11, Lexus cũng tăng giá bán 14 mẫu xe thuộc 6 dòng xe khác nhau với giá cộng thêm từ 10-160 triệu đồng.
Theo lý giải của các hãng xe, giá bán tăng đều do biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới thị trường nguyên vật liệu, dẫn đến đội giá nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, chi phí vận tải tăng cao khiến sức ép tài chính ngày càng lớn.
Thông thường, định kỳ vào đầu năm mới, một số hãng xe sang đều có động thái điều chỉnh giá tăng, lý do thì hãng đã công khai.
Bên cạnh đó, thường qua hết một năm, cũng có một số hãng sẽ tiến hành nâng cấp sản phẩm hoặc thêm trang bị cho xe để tăng sức hút đối với khách hàng, đây cũng là một trong những lý do khiến xe tăng giá.
Nhìn chung, sức mua xe sang giảm còn khoảng 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính do tình hình kinh tế chung đang suy thoái không chỉ ở nước ngoài mà kể cả trong nước.
Thị trường ô tô diễn biến khó lường
Theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số các đơn vị thành viên VAMA trong tháng 10/2022 đạt 36.560 xe các loại, tăng 9,3% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021. Từ số liệu tăng trưởng trên có thể thấy thị trường ô tô Việt đang bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh đúng dịp cuối năm. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung ít, cầu tăng dẫn đến giá xe cuối năm khó có thể giảm là điều dễ hiểu.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng ngoài lý do thiếu linh kiện, chi phí logistics tăng cao, biến động tỷ giá ngoại tệ cũng tác động trực tiếp đến giá xe. Không chỉ thế, một vấn đề ảnh hưởng tới giá thành ô tô trong nước lâu nay chính là vấn đề tỷ lệ nội địa hoá thấp nên phần lớn linh kiện đều phải nhập khẩu.
Trong khi đó, sản xuất, lắp ráp ô tô đều phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và sử dụng đồng USD để thanh toán. Vì vậy, tỷ giá tăng đang làm tăng chi phí sản xuất và gây sức ép lên giá xe. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, khi giá USD tăng lên, chắc chắn chi phí đầu vào tăng, dẫn đến đầu ra cũng phải tăng do doanh nghiệp phải gồng mình trước khoản chênh lệch tỷ giá. Biện pháp nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng là phải tăng giá bán để bù lại chi phí.
Ngoài ra, nguồn tín dụng từ các ngân hàng do đã hết “room” tín dụng dẫn đến khách hàng gặp khó khăn khi mua xe dịp cuối năm. Mặc dù đã nới room tín dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở thời điểm hiện tại đã đạt khoảng 13,6%. Điều này dẫn đến dư địa cho vay vẫn còn nhưng sẽ tập trung cho các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên. Khả năng duyệt hồ sơ và giải ngân vốn vay mua ô tô của khách hàng sẽ tiếp tục là một thách thức từ nay đến cuối năm 2022.