Năm 2024, vị thế các kênh đầu tư sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự xoay trục chính sách tiền tệ của các nước lớn.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, năm 2024 sẽ là năm chính sách tiền tệ của các nước lớn xoay trục. Theo đó, nhiều khả năng Fed, ECB đều quay đầu hạ lãi suất. Sự xoay trục chính sách của các nước lớn sẽ tác động đến tất cả các kênh đầu tư, buộc nhà đầu tư phải thận trọng theo dõi sát sao.
Cùng chung quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, hành động của Fed, ECB, sức mạnh của USD sẽ là tâm điểm thị trường năm 2024. Ngoài ra, chính sách tài khóa của các quốc gia, căng thẳng địa chính trị, an ninh năng lượng... cũng là các yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Với hành động của các nước lớn, nhiều khả năng lãi suất trong nước năm 2024 sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp, hỗ trợ thị trường tài chính, áp lực tỷ giá cũng giảm. Bên cạnh đó, lãi suất của Fed giảm cũng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các thị trường tài chính mới nổi như Việt Nam.
Trong bối cảnh chính sách vĩ mô trong nước và thế giới nhiều biến động, vị thế các kênh đầu tư “vua” năm 2024 dự kiến cũng có nhiều thay đổi. Xét về hiệu suất đầu tư, nếu gửi tiết kiệm được coi là kênh đầu tư tốt nhất năm 2022 vì vừa an toàn, vừa sinh lời cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều đi xuống (lãi suất tiết kiệm có thời điểm lên tới 10-12%/năm), thì năm 2023, tiết kiệm trở thành kênh đầu tư sinh lời gần như thấp nhất (lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm).
Trong khi đó, vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2023 với mức tăng giá gần 18% (vàng miếng SJC). Tuy vậy, nhìn về diễn biến dòng tiền, có thể thấy, nhà đầu tư vẫn có xu hướng nắm giữ tiền mặt, bất chấp lãi suất thấp, chủ yếu do thị trường vàng đầy rủi ro, các kênh đầu tư khác đều kém hấp dẫn.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn, song dòng tiền vẫn đổ dồn vào ngân hàng, nguyên nhân là các kênh đầu tư khác đều có độ rủi ro lớn (chứng khoán, bất động sản, vàng) đều rủi ro lớn, ngoại tệ sinh lời thấp. “Trong bối cảnh lòng tin của thị trường đang suy giảm khá mạnh, thị trường trái phiếu và bất động sản “đóng băng”, gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Nói cách khác, tiền gửi tiết kiệm vẫn là “hầm trú ấn” của nhà đầu tư trong năm 2023 và cả năm 2024. Nếu nền kinh tế chưa khởi sắc, thị trường tài chính và bất động sản còn bất bênh, ngân hàng vẫn là kênh hút tiền gửi. Chỉ khi nền kinh tế khởi sắc, dòng tiền mới xoay chiều sang các kênh đầu tư khác.
Cho đến nay, các dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chưa thật sự sáng sủa. Dự báo của các nhà kinh tế cho thấy, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024, chỉ còn 4,6% (năm 2023 là khoảng 5,2%), tăng trưởng GDP của Mỹ về dưới 2%, tăng trưởng GDP của EU dưới 1%...
Triển vọng giá trong tuần tới (8/1-12/1)
Bất động sản có vội kỳ vọng vào lượng tiền gửi tiết kiệm đang cao kỷ lục?