Cơ hội đầu tư

Xu hướng đầu tư tài sản số trong kỷ nguyên mới: Nhà đầu tư F0 cần chuẩn bị những gì?

Thuỷ Trúc 17/07/2025 - 11:31

Chứng khoán SSI vừa tổ chức phiên thảo luận với chủ đề 'Tài sản số khác gì tài sản chữ' với chuyên gia Lê Bảo Nguyên, Phó Tổng Giám đốc SSID.

Tại chương trình "Café cùng chứng" do Chứng khoán SSI tổ chức sáng 17/7, ông Lê Bảo Nguyên – Giám đốc dự án kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSID) – cùng host là chuyên gia Hồ Hữu Tuấn Hiếu từ SSI Research đã mang tới góc nhìn chuyên sâu về xu hướng đầu tư trong kỷ nguyên mới với chủ đề "Tài sản số khác gì tài sản chữ".

Phiên thảo luận đặc biệt này tập trung vào chủ đề kênh tài sản số, đặc biệt trong bối cảnh tài sản số đang là ‘keywords’ của năm 2025. Tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về blockchain và ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số. Dự thảo khung pháp lý thử nghiệm thị trường tài sản số dự kiến được trình trong năm 2025, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho thị trường mới mẻ này.

Vì sao tài sản số là một kênh đầu tư triển vọng?

Hoà nhịp cùng dòng chảy blockchain, host Tuấn Hiếu nhắc lại ‘chuyện xưa’ - chuyện của hơn 25 năm trước, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, đang rất sơ khai. SSI lúc đó là CTCP Chứng khoán Sài Gòn là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên tham gia thị trường.

Ngày nay, đứng trước thời khắc lịch sử, khi các kênh tài sản mới, là tài sản số, được công nhận tại Việt Nam, thì SSID cũng là một trong những đơn vị tiên phong tham gia xu hướng này, đi trước đón đầu các cơ hội đầu tư mới, đón đầu xu hướng mới.

Mở đầu chương trình, giải thích sơ bộ về tài sản số và tài sản chữ - chủ để thảo luận hôm nay, ông Lê Bảo Nguyên cho rằng việc hiểu khái niệm là bước đầu tiên để một nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường.

Tài sản số (digital assets), theo ông Nguyên, là những tài sản được xác thực và giao dịch trên nền tảng blockchain, không phụ thuộc vào các tổ chức trung gian như ngân hàng hay công ty chứng khoán truyền thống. Blockchain cho phép các giao dịch diễn ra minh bạch, tiết kiệm chi phí và thời gian xác nhận.

Các loại tài sản số phổ biến hiện nay bao gồm tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum), tài sản số độc nhất (NFT), tài sản được mã hóa từ tài sản truyền thống (tokenized assets)... Những tài sản này có thể lưu trữ, định giá, giao dịch và chuyển nhượng thông qua hệ thống mã hóa. Trong số đó, thị trường hiện nay đang quan tâm nhất là tiền mã hoá, mà đồng coin nổi tiếng được biết tới là Bitcoin.

Còn "Tài sản chữ" là khái niệm dùng để phân biệt với tài sản số, nhằm chỉ nhóm tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng chỉ có giá trị pháp lý. Đây vẫn là kênh đầu tư chủ đạo của phần lớn nhà đầu tư tại Việt Nam hiện nay.

Nếu đem thị trường “tài sản số và tài sản chữ” ra so sánh, theo ông Nguyên, sẽ có những điểm giống và khác nhau.

+ Giống là tốc độ phát triển. Thị trường tài sản số được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn cả về quy mô và thanh khoản.

+ Khác là bối cảnh. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập, chúng ta đi sau rất nhiều so với khu vực và trên thế giới. Tuy vậy, với thị trường tài sản số hiện nay, Việt Nam được xem là một trong những nước tiên phong Luật hoá các vấn đề về tài sản số.

img_7005.jpeg

Khung pháp lý: Cơ hội lớn cho thị trường tài sản số

Thị trường tiền mã hoá thực tế đã có từ hơn 10 năm trước, và diễn biến “theo mùa”, có thể tăng rất mạnh và cũng giảm rất sâu liên tục. Trước đây, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường tài sản số chủ yếu thông qua các sàn giao dịch quốc tế, đối mặt với rủi ro về pháp lý và an toàn tài sản. Với sự ra đời của hành lang pháp lý trong nước, các hoạt động giao dịch tài sản số sẽ được giám sát và hướng dẫn rõ ràng, tạo môi trường đầu tư an toàn hơn.

Từ một lĩnh vực mang nhiều định kiến như "coin rác" hay mô hình lừa đảo, tài sản số đang dần trở thành mảng đầu tư nghiêm túc với sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn như BlackRock, VanEck, và sự xuất hiện của các quỹ ETF Bitcoin. Điều này dẫn tới việc hình thành một thị trường minh bạch hơn, ổn định hơn, và không bị ‘thao túng’.

Việc xây dựng khung pháp lý giúp bảo vệ nhà đầu tư, tăng tính minh bạch, đồng thời mở đường cho dòng vốn trong và ngoài nước đổ vào lĩnh vực tài sản số.

Trong báo cáo của các đơn vị uy tín, Việt Nam luôn đứng trong Top 5 về tỷ lệ người dùng mới trong 4 năm trở lại đây. Con số này cho thấy, Việt Nam là một thị trường lớn. Nếu đi đúng hướng, được bảo hộ, thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm tài sản số của khu vực.

Hiện tại, mọi thứ đang trong vùng xám, nhưng khi Luật có hiệu lực, có các nền tảng giao dịch của Việt Nam, được hướng dẫn cụ thể, được bảo hộ bởi pháp luật, thì đây sẽ là thị trường lành mạnh, là cơ hội của các nhà đầu tư, là kênh đầu tư tiềm năng.

Phiên thảo luận cũng đi sâu vào chủ đề nhà đầu tư cần chuẩn bị những gì để đón đầu cơ hội với kênh tài sản số. Theo ông Nguyên, dù là kênh tài sản số, hay cả tài sản chữ, thì đầu tiên, các nhà đầu tư F0 cần tìm hiểu kỹ: Nó là gì, và rủi ro ra sao.

Ông Nguyên khẳng định một điều: 'Lãi lớn thì rủi ro cao'. Do vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về dự án trước khi 'xuống tiền. Đặc biệt, cần xác định bài toán ‘tích sản’ lâu dài, hay ‘ăn xổi’ nhanh, để ra quyết định đầu tư. Đây cũng là bài toán nhà đầu tư nhìn thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với các đồng tiền mã hóa lớn như Bitcoin hay Ethereum, nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy. Tuy nhiên, đối với các dự án nhỏ, cần thẩm định kỹ lưỡng về đội ngũ phát triển, ý tưởng và tính minh bạch.

Ngoài ra, việc trang bị kiến thức cơ bản về blockchain, cơ chế vận hành của tài sản số và quản trị rủi ro là điều kiện tiên quyết trước khi tham gia vào thị trường

SSID có lộ trình thế nào để tham gia vào thị trường tiền mã hoá?

Tại buổi thảo luận, host Tuấn Hiếu chia sẻ thông tin, đầu tháng 8/2025, SSID sẽ tổ chức sự kiện GM Vietnam. Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Đông Nam Á và châu Á. Đây được kỳ vọng là bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ số tại Việt Nam.

Trong bối cảnh dòng chảy blockchain đang hiện hữu ở nhiều mảng, nhiều ngành nghề, SSI – một trong những tổ chức tiên phong trên thị trường chứng khoán Việt Nam – hiện đang đóng vai trò chủ lực trong việc nghiên cứu và phát triển thị trường tài sản số thông qua công ty thành viên SSID.

>> Ông Nguyễn Duy Hưng: SSI, U2U Network, AWS và cá mập 155 tỷ USD 'bắt tay' xây dựng hạ tầng số tại Việt Nam

Sếp SSI Nguyễn Duy Hưng: Chắc chắn sẽ có quỹ đầu tư vào tài sản số khi khung pháp lý xong xuôi!

Chính phủ 'bật đèn xanh' cho tài sản số: Cuộc chơi vốn hóa tỷ đô bắt đầu?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xu-huong-dau-tu-tai-san-so-trong-ky-nguyen-moi-nha-dau-tu-f0-can-chuan-bi-nhung-gi-296705.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xu hướng đầu tư tài sản số trong kỷ nguyên mới: Nhà đầu tư F0 cần chuẩn bị những gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH