Xu hướng tích sản phi USD nở rộ

05-05-2023 07:44|Hoàng Long

Nhiều quốc gia đang tìm kiếm các tiền tệ thay thế cho đồng USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ... Điều gì có thể làm lung lay sức ảnh hưởng của đồng USD?

Năm 1944 đồng USD thống trị thống trị thương mại và dòng vốn toàn cầu

Sau Thế chiến thứ nhất, Mỹ nhanh chóng trở thành một cường quốc về tài chính hàng đầu. Nước này chỉ bắt đầu tham chiến vào năm 1917 và trỗi dậy mạnh mẽ hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu. Theo đó, đồng USD bắt đầu thay thế đồng Bảng Anh là tiền tệ dự trữ quốc tế và Mỹ trở thành nước nhận được dòng chảy vàng lớn trong thời chiến.

Tới năm 1944, vai trò của đồng USD càng lớn hơn khi 44 quốc gia ký Thỏa thuận Bretton Woods, tạo ra một cơ chế trao đổi tiền tệ quốc tế được cố định bằng đồng USD. Trong khi đó, đồng USD được cố định theo giá vàng, hay còn gọi là chế độ bản vị vàng.

Vào cuối những năm thập niên 60, hàng xuất khẩu của châu Âu và Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn với hàng xuất khẩu của Mỹ. Nguồn cung USD dồi dào trên khắp thế giới khiến việc hỗ trợ đồng USD bằng vàng trở nên khó khăn hơn. Năm 1971, Tổng thống Nixon đã dừng việc chuyển đổi trực tiếp đồng USD sang vàng, chấm dứt cả tiêu chuẩn bằng vàng và giới hạn số lượng tiền tệ được in. Từ đó, dù vẫn tiếp tục là tiền tệ lưu trữ quốc tế, đồng USD đã mất dần sức mua.

Xu hướng tích sản phi USD nở rộ

Do lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng "vũ khí hóa" đồng USD, nhiều quốc gia đã bắt đầu tìm cách thay thế đồng tiền này.

Năm 2022, khi Mỹ và các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Nga nhằm phản ứng với cuộc chiến tranh ở Ukraine, Moscow và Chính phủ Trung Quốc đã "bắt tay" nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thiết lập hợp tác hệ thống tài chính hai nước. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, thương mại bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần.

Quyền lực của đồng USD có bị lung lay?

Các nhà phân tích tại Bank of America trong một tài liệu tổng kết dành cho khách hàng kết luận rằng đồng USD đã bước vào xu hướng tiêu cực nhiều năm lần thứ tư trong vòng 50 năm qua.

Cụ thể, vào đầu năm 1971 chỉ số USD bắt đầu giảm từ mức 120 điểm xuống còn 82 điểm vào tháng 10/1978. Đỉnh tiếp theo là vào tháng 2/1985 (dưới 165 điểm một chút), còn đáy là vào tháng 9/1992 (gần 78 điểm). Chu kỳ thứ ba kéo dài từ tháng 7/2001 (đỉnh 121 điểm) đến tháng 3/2008 (đáy dưới 71 điểm). Cuối cùng, chu kỳ giảm thứ tư của USD bắt đầu vào tháng 9/2022 ở mức đỉnh 114,8 điểm.

Biểu đồ chỉ số USD cho thấy rõ sự khởi đầu của quá trình giảm phát nhiều năm, biểu đồ chỉ ra rằng chỉ số này có thể vượt qua mức tâm lý 100 điểm trong một đến hai tháng tới và tăng nhanh đà sụt giảm tùy thời gian khi nào nợ quốc gia của Hoa Kỳ đạt đến mức trần, điều này có thể xảy ra vào mùa hè năm 2023.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ giờ đang sát với ngưỡng 5% - mốc 'kháng cự' mới chỉ bị vượt qua đúng một lần kể từ năm 1960. Đó là tình trạng diễn ra khi đồng USD suy yếu sau năm 2001.

Mỹ hiện đang nợ thế giới 18 nghìn tỉ USD, tương đương 73% GDP của nước này, vượt xa ngưỡng 50% thường dẫn tới các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong quá khứ.

Lạm phát cao, địa chính trị căng thẳng và các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt đối với các quốc gia như Nga gần đây đã khiến những hoài nghi về USD lần nữa trỗi dậy.

Trong lịch sử, những giai đoạn USD gây ra bất bình thường được thúc đẩy bởi sự tức giận của một nhà lãnh đạo trên thế giới đối với tiền tệ này. Năm 1965, Valéry Giscard d'Estaing, khi đó là Bộ trưởng Tài chính Pháp, đã nổi giận chống lại "đặc quyền cắt cổ" mà Mỹ có được từ đồng USD.

Với việc giá vàng tăng mạnh và tỷ lệ dự trữ toàn cầu của USD giảm đã làm dấy lên những nghi ngờ khác. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cũng thừa nhận việc sử dụng các biện pháp trừng phạt theo thời gian "có thể làm suy yếu quyền bá chủ " của tiền tệ Mỹ.

Ngày càng rõ ràng là các quốc gia riêng lẻ có thể phá vỡ hệ thống thống trị của USD nếu họ thực sự muốn. Mặc dù nền kinh tế của Nga đã bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt, nhưng nó không bị tê liệt. Một phần vì 16% hàng xuất khẩu của nước này được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT), tăng so với mức gần như bằng không trước xung đột Ukraine.

Jason Hollands, Giám đốc điều hành của nền tảng đầu tư Bestinvest, cho biết cái gọi là "vũ khí hóa" USD đã làm rung chuyển nhiều quốc gia chứ không chỉ ở Nga. "Các quốc gia sẵn sàng tiếp tục giao dịch thương mại với Nga, như Ấn Độ và Trung Quốc, bằng đồng rupee và nhân dân tệ, gây ra cuộc thảo luận về việc phi đô la hóa trong trật tự thương mại quốc tế", vị này nói.

Nhân dân tệ, dự trữ vàng hay dầu mỏ sẽ thay thế đồng USD?

Brazil và Trung Quốc hiện giao dịch với nhau bằng đồng NDT, giúp thiết lập NDT của Trung Quốc như một đồng tiền quốc tế và thách thức đồng USD trên thị trường giao dịch hàng hóa. Việc định giá bằng USD khiến cuộc sống của các quốc gia khác trở nên khó khăn bởi vì khi đồng USD tăng giá, các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn.

Sự thay thế của Trung Quốc đối với hệ thống SWIFT đang phát triển nhanh chóng. Nước này cũng đang chuyển đổi nhiều hơn thương mại song phương sang thanh toán bằng đồng NDT. Đây là hướng đi dễ dàng hơn việc cố gắng đưa nhân dân tệ thay thế USD trong giao dịch giữa các quốc gia khác.

Thậm chí, nhiều công ty ở phương Tây hiện sử dụng NDT để giao dịch với Trung Quốc. Ngoài ra, các công nghệ thanh toán kỹ thuật số mới và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể giúp việc chuyển tiền trên khắp thế giới trở nên dễ dàng hơn mà không cần đến Mỹ.

David Morrison, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation, cho biết các dự báo về cái chết của USD đã xuất hiện ít nhất 50 năm nhưng nó vẫn chưa xảy ra. "Tuy nhiên, USD đang ở thế yếu hơn so với các động thái của Trung Quốc, Nga, Arab Saudi và Iran nhằm tránh xa việc định giá và giao dịch năng lượng bằng USD", ông nhận định.

Tuy nhiên, bà Alexandra Prokopenko, một cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga nói rằng rủi ro chính đối với Nga nằm ở việc Bắc Kinh có thể có những động thái tiền tệ khó lường mà Moscow không thể phòng hộ trước vì quá khó dự báo. “Nếu Trung Quốc quyết định phá giá tiền tệ chỉ sau 1 đêm, như đã từng làm trước kia, dự trữ ngoại hối của Nga sẽ giảm sút, các giao dịch thương mại sẽ bị gián đoạn, mà Moscow chẳng thể làm được gì”.

Ngoài ra, theo hãng tin Nga Vedmosti, Nga và Iran cũng đang hợp tác để phát hành một đồng tiền ảo được hỗ trợ bằng vàng.

Ngoài ra, năm 2022, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967 nhằm đa dạng hóa dự trữ, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Những tháng gần đây, Brazil và Argentina đã thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung của hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.

Theo Reuters, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ hiện đang thảo luận về việc sử dụng đồng Rupee trong giao thương hàng hóa phi dầu mỏ, giảm phụ thuộc vào USD. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong 48 năm, Saudi Arabia cho biết sẵn sàng giao dịch dầu mỏ bằng các tiền tệ khác bên cạnh USD.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái này, nhiều người cho rằng vị thế thống trị của đồng USD sẽ chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đồng USD.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của các nước bằng các tiền tệ khác thấp hơn đáng kể. Cụ thể, dự trữ bằng đồng Euro (EUR) là 19,7%, Yên Nhật (JPY) 5,3%, Bảng Anh (GBP) 4,6%, Nhân dân tệ (RMB) 2,8%, Đôla Canada (CAD) 2,5%, Đôla Australia (AUD) 1,9% và Franc Thụy Sỹ (CHF) 0,2%.

Các Ngân hàng trung ương từ châu Á cho tới Trung Đông đang thiết lập các đường dây hoán đổi tiền tệ song phương, với ý định giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Thời kỳ hậu USD đang đến.

El Salvador đối mặt sức ép từ IMF: Chính sách Bitcoin có nguy cơ bị từ bỏ để đạt thỏa thuận vay 1,3 tỷ USD

Nga nói BRICS vẫn xây dựng hệ thống thanh toán bất chấp đe dọa của ông Trump

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xu-huong-tich-san-phi-usd-no-ro-181509.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xu hướng tích sản phi USD nở rộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH