Đạt thỏa thuận lớn với ông Trump, quốc gia Đông Nam Á vẫn liên tục hạ lãi suất để cứu nền kinh tế
Ngân hàng Trung ương Indonesia tiếp tục chu kỳ nới lỏng tiền tệ với lần cắt giảm lãi suất thứ tư kể từ tháng 9/2024 - xuống 5,25% - nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thỏa thuận thuế quan mới với Washington.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã quyết định cắt giảm lãi suất chuẩn và tuyên bố sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nếu cần thiết. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại với Indonesia vào ngày 15/7.
Trong phiên họp ngày thứ Tư (16/7), Bank Indonesia đã hạ lãi suất cơ bản BI-Rate 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất từ 5,5% xuống còn 5,25%. Đây là lần cắt giảm thứ tư trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái.
Theo khảo sát của BNN thực hiện trước tuyên bố của Tổng thống Trump, khoảng 15 trong số 33 nhà kinh tế đã dự đoán Bank Indonesia sẽ có động thái cắt giảm lãi suất này, trong khi 18 chuyên gia còn lại dự báo ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại.

Thống đốc NHTW Indonesia, ông Perry Warjiyo cho biết tại cuộc họp báo rằng quyết định cắt giảm lãi suất phù hợp với dự báo lạm phát thấp hơn cho năm 2025 và 2026, sự ổn định của đồng rupiah và nhu cầu củng cố nền kinh tế. Ông nhấn mạnh chi phí vay thấp hơn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong khi thỏa thuận thuế quan với Mỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch kinh doanh.
"Chúng tôi rất biết ơn vì sự bất ổn đã dần lắng xuống qua từng tháng," ông Warjiyo phát biểu. "Chúng tôi vừa nhận được kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ, và chúng tôi rất hoan nghênh kết quả này".
Việc cắt giảm lãi suất lần này cho thấy các nhà hoạch định chính sách ngày càng tin tưởng vào sự ổn định của đồng rupiah, đồng thời nhận thức được nhu cầu thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Nền kinh tế Indonesia có thể được mở cửa đáng kể cho hàng nhập khẩu từ Mỹ theo thỏa thuận mới.
Theo thỏa thuận thuế quan mới được công bố, hàng hóa Indonesia xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 19%, giảm đáng kể so với mức 32% đã được đe dọa trước đó. Ngược lại, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Indonesia sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
"Việc cắt giảm lãi suất hôm nay phát đi tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ tăng trưởng," ông Mohit Mirpuri, đối tác cấp cao tại SGMC Capital, nhận định. "Bank Indonesia đang ưu tiên động lực tăng trưởng hơn là thận trọng kiểm soát lạm phát".
Trên thị trường tài chính, đồng rupiah đóng cửa giảm 0,1% xuống còn 16.278 so với USD vào 16/7, đạt mức yếu nhất trong ba tuần. Ngược lại, chỉ số chứng khoán tăng 1%. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hầu như không thay đổi ở mức 6,57%.
Thống đốc Warjiyo kỳ vọng đồng rupiah sẽ tiếp tục ổn định, được hỗ trợ bởi các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương và lợi suất hấp dẫn của tài sản Indonesia.
Thỏa thuận thuế quan với Mỹ được Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto xác nhận hôm 16/7, là thỏa thuận đầu tiên được công bố kể từ khi ông Trump gửi thư cho các đối tác thương mại vào tuần trước.
Mặc dù các chi tiết quan trọng vẫn đang chờ được làm rõ, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận có thể mang lại lợi ích tích cực cho tài sản Indonesia. Tuy nhiên, thỏa thuận cũng có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước vốn từ lâu được chính phủ bảo hộ thương mại.
Dư địa chính sách từ đồng nội tệ ổn định

Sự ổn định gần đây của đồng rupiah, bất chấp những lo ngại thị trường về chính sách thương mại của ông Trump, đã tạo dư địa cho ngân hàng trung ương hỗ trợ nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi chính phủ cắt giảm triển vọng tăng trưởng xuống còn 5% trong năm nay, từ mức mục tiêu ban đầu 5,2%. Bank Indonesia vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2025 ở mức 4,6%-5,4%.
Áp lực lạm phát cũng đang giảm dần, theo ông Warjiyo. Lạm phát cơ bản - loại trừ tác động của các mặt hàng biến động và được chính phủ trợ cấp - sẽ thấp hơn dự kiến trong năm nay và nằm dưới mức trung bình trong phạm vi mục tiêu 1,5%-3,5% của Bank Indonesia.
"Bank Indonesia sẽ tiếp tục theo dõi phạm vi giảm lãi suất BI để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì sự ổn định của đồng rupiah và mục tiêu lạm phát phù hợp với diễn biến của nền kinh tế toàn cầu và trong nước," ông Warjiyo khẳng định.
Chi phí vay thấp hơn được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 7,7% vào tháng 6. Ông Warjiyo nhận định các ngân hàng đã "quá thận trọng" trong việc cho vay, thay vào đó lại đổ tiền vào đầu tư chứng khoán.
Thống đốc Warjiyo cho biết thỏa thuận thuế quan với Mỹ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2025 và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Ông Miguel Chanco, chuyên gia kinh tế tại Pantheon Macroeconomics, nhận định ngân hàng trung ương Indonesia đúng khi tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. "Thống đốc Warjiyo khẳng định lãi suất cho vay cần giảm thêm để kích thích tín dụng," ông Chanco phân tích.
Hiện tại, tăng trưởng tín dụng của Indonesia chỉ đạt 7,7% - thấp hơn nhiều so với dự báo 8%-11% mà Bank Indonesia đưa ra. Ông Chanco cho biết con số dự báo này đã bị coi là "quá tham vọng" ngay từ đầu.
Tham khảo BNN, Financial Times (FT)
>> Nợ ngập đầu, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi tới 34 tỷ USD để trả lãi vay