Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, Việt Nam vẫn nhập gần 1 triệu tấn gạo mỗi năm

21-11-2022 20:35|Hà Thu

Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ, Campuchia...

Thống kê năm 2021 của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước). Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

Bộ Công Thương cho rằng việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với lượng tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Cụ thể, bộ này cho biết việc nhập khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh... tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.

Do vậy, Bộ này vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhấn mạnh việc cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để chủ động điều hành hoạt động này.

Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 107, Bộ Công Thương đã bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo. Cụ thể, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Trong trường hợp lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp...

Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 107 sẽ tập trung vào 8 vấn đề, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Loạt ô tô bình dân tiếp tục giảm giá để 'dọn kho' cuối tháng 3

Láng giềng Việt Nam chi 10,1 tỷ USD xây dựng kênh đào nhân tạo 135km lớn nhất thế giới, gấp 3 lần lượng đất đá đào lấp của kết cấu chính đập Tam Hiệp

Rót hơn 19 tỷ USD, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á muốn trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam

Bài thuộc chủ đề Nông nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-gao-nhat-nhi-the-gioi-viet-nam-van-nhap-gan-1-trieu-tan-gao-moi-nam-159171.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, Việt Nam vẫn nhập gần 1 triệu tấn gạo mỗi năm
POWERED BY ONECMS & INTECH