Theo Bộ Công Thương, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu sang châu Mỹ đạt 8,21 tỷ USD và nhập khẩu 1,65 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt khoảng 6,56 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 8,21 tỷ USD và nhập khẩu 1,642 tỷ USD. Như vậy, trong tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại với thị trường này đạt khoảng 6,56 tỷ USD.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực này. Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2023, cả nước xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,2 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 860 triệu USD. Đứng thứ 2 là thị trường Canada, với mức xuất khẩu sang thị trường này khoảng 360 triệu USD và nhập khẩu khoảng 45 triệu USD trong tháng đầu năm.
Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4% còn nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%, theo TTXVN.
Đáng chú ý, trao đổi thương mại với tất cả các thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như: Mỹ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…
Đối với thị trường Mỹ, tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm vừa qua đạt khoảng 123,9 tỷ USD, tăng 11% so với 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD, tăng 13,6%, nhập khẩu đạt 14,5 tỷ USD giảm 5%.
Các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Mỹ gồm các loại sản phẩm chế biến chế tạo, nông sản, lâm sản, hàng may mặc. Trong đó, dẫn đầu là nhóm sản phẩm công nghiệp như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 20,1 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (15,9 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (11,9 tỷ USD), hàng dệt, may (17,4 tỷ USD), giày dép các loại (9,6 tỷ USD)…
Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng đã có chỗ đứng tại thị trường này. Như sản phẩm cà phê, năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 129.400 tấn cà phê sang Mỹ, đạt kim ngạch 305,4 triệu USD giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 11,6% về trị giá so với năm 2021. Việt Nam hiện là nguồn cung cấp cà phê lớn thứ 3 vào Mỹ.
Hàng thủy sản ghi nhận kim ngạch tăng nhẹ 4% đạt hơn 2,1 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, Mỹ đã công nhận sản xuất cá tra của Việt Nam trình độ tương đương Mỹ. Do đó, trong năm 2023 tới, Bộ NN&PTNT đánh giá Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng với hàng thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là với hai mặt hàng chiến lược là tôm và cá tra.
Ngoài ra, nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Việt Nam-Chile (VCFTA), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 4 nước Canada, Mexico, Chilê, Pêru trong năm 2022 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 10,9 % so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 26,9%.
Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt: khu vực Trung Mỹ tăng 29,2% (đạt 1,12 tỷ USD), các nước cộng đồng Andean tăng 12,9% (đạt 1,1 tỷ USD).
Kỳ vọng vận tải đường sắt thay thế đường biển trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu
10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng đầu là một đại diện châu Á