Trước đó, chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế.
13/13 cửa khẩu được mở lại
Tại toạ đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?", chia sẻ nguyên nhân khiến hàng hoá ùn ứ tại cửa khẩu thời gian qua, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.
Bên cạnh đó, hiện nay cả nước chỉ có 9 loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, việc đàm phán về kiểm dịch nông sản chưa hoàn thành nên 100% lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kiểm tra. Điều này khiến tốc độ thông quan tại cửa khẩu chậm.
Từ khi xảy ra vấn đề này, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.
Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu.
Khó có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang cửa khẩu phía Bắc, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…
Tuy nhiên, ông Chinh cũng thừa nhận, vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian.
Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như “chợ huyện”, cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.
Về ngoại thương với Trung Quốc, có 2 hình thức buôn bán: thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch, thứ hai trao đổi cư dân, chợ biên giới. Bên cạnh đó, ta đã có Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định.
Ông chỉ rõ: Thứ nhất là, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả.
Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.
Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương, hiện đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15-17%, logistics chỉ tăng khoảng 4-5 %...
Vận tải cũng cần đa dạng hoá, như hiện nay, vận tải hàng hoá đường sắt vẫn còn ít.
Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham các hiệp định định RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định.
Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
Ví dụ như việc thông tin về các Lệnh 248, 249, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã triển khai rất sớm. Có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều nên nhận thức về tầm quan trọng cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề này còn hạn chế.
Kỳ vọng vận tải đường sắt thay thế đường biển trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu
10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng đầu là một đại diện châu Á