Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh: Bức tranh ngành gỗ khi nào "sáng" trở lại?

21-03-2023 16:00|Hải Đăng

Nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm 47,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hoa Kỳ giảm mạnh nhất, chiếm 46,7% tổng trị giá xuất khẩu, giảm 13,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Do chiếm tỷ trọng cao trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, nên nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, khoảng 90% giá trị gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Hoa Kỳ và tiếp theo là Trung Quốc với 13,4%.

Trong báo cáo ngành của CTCP chứng khoán VNDirect vừa công bố nhận định, triển vọng vĩ mô kém khả quan của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Hoa Kỳ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Hoa Kỳ.

Chỉ số nhu cầu nhà ở của Hoa Kỳ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023. Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trong xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB (CTCP Phú Tài), GDT (CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành), SAV (CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex) sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6 - 1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.

Theo các doanh nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2023, bức tranh ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, để ngành gỗ phát triển như thời hoàng kim trước dịch COVID-19 là không thể.

Dù vậy, vẫn có những phân khúc thị trường dù tăng trưởng không cao nhưng vẫn duy trì đơn hàng. Đồ nội thất nhà tắm có 2 dòng phân khúc tiêu thụ gồm mua mới và phân khúc thay thế. Về cơ bản, phân khúc giá rẻ sẽ khó bán, còn phân khúc giá cao vẫn bán ở mức độ tốt hơn. Đối với mặt hàng tủ bếp cũng tương tự, họ chỉ giảm xây dựng chứ không phải không xây dựng. Nhà giàu họ vẫn xây và thay mới, nhưng mức mua sắm có giảm đôi chút.

Theo báo cáo của Technavio (công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu công nghệ toàn cầu), quy mô thị trường đồ nội thất gia đình ở Hoa Kỳ ước tính đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,7% trong giai đoạn 2022 - 2027, đạt 13,32 tỷ USD vào năm 2027.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu tiêu ở mức cao, vì vậy đây vẫn là thị trường rất tiềm năng cho ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu và chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro, cũng như theo dõi các cảnh báo về khả năng điều tra phòng vệ thương mại.

Nhu cầu từ thị trường Mỹ hồi phục, xuất khẩu 1 nhóm hàng có thể giúp Việt Nam thu về hơn 17 tỷ USD năm 2024

Tổng thống Donald Trump sắp thay đổi chính sách, mặt hàng 16 tỷ USD của Việt Nam 'rộng cửa' tại Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-sut-giam-manh-buc-tranh-nganh-go-khi-nao-sang-tro-lai-174592.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh: Bức tranh ngành gỗ khi nào "sáng" trở lại?
    POWERED BY ONECMS & INTECH