Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn đầu là mặt hàng tôm với hơn 1,8 tỷ USD (tăng hơn 41%); cá tra đạt hơn 1,2 tỷ USD (tăng gần 90%); cá ngừ hơn 462 triệu USD (tăng hơn 58%)…
Hầu hết, các thị trường (trừ Trung Quốc) mở cửa hoàn toàn sau COVID-19, giao thương thuận lợi. Giá xuất khẩu tăng vì nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt trở lại với các hội chợ thủy sản quốc tế, thu hút thêm nhiều nhà nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu tăng cao tại Mỹ, EU, hồi phục tại Trung Quốc, 3 thị trường chi phối và chiếm hơn 60% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
“Tăng trưởng 5 tháng đầu năm nay rất ấn tượng, con số đang khiến cho nhiều người đánh giá năm nay sẽ đạt 10 tỷ đô, nếu điều này thành hiện thực, VASEP sẽ tổ chức cuộc họp vì dấu mốc này” , ông Nam nói.
Theo ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex, chuyên mặt hàng tôm), thiếu hụt lao động là vấn đề thường xuyên gặp phải của doanh nghiệp.
“Ngành thủy sản sử dụng lao động rất lớn, công ty chúng tôi luôn gặp tình trạng thiếu lao động”, ông Phú nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là sự chuyển dịch dân số của lao động phổ thông từ ĐBSCL lên TP. HCM và Đông Nam Bộ rất lớn. Trong khi công ty ở vị trí khá xa, nơi cơ sở hạ tầng còn kém phát triển nên thu hút lao động trình độ cao rất khó…
Là người gắn bó lâu năm với các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, nhất là các doanh nghiệp cá tra, ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, giá cá tra nguyên liệu duy trì được mức cao (trên 30.000 đồng/kg) từ đầu năm đến nay, có thời điểm 32.000- 34.000 đồng/kg. Giá cá giống cũng ổn định trong nhiều tháng ở mức trên 40.000 đồng/kg, khác với lên xuống thất thường ở các năm 2018- 2019, và mức giá thấp tiêu cực kéo dài trong hai năm 2020-2021…
Theo ông Dũng, ngành cá tra trải qua nhiều thăng trầm, những ai “trụ” được đến nay là đã vượt qua hai năm khó khăn vừa qua. Điều này cũng cho thấy, ngành hàng cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những cú sốc, chứ không phải ‘can thiệp’ bằng cách ‘giải cứu’.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, thách thức của ngành thủy sản là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Mặt khác, phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa (đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ các FTA).
Trong khi vẫn còn những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá; thuế chống trợ cấp; các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình giám sát riêng biệt, quy tắc xuất xứ, IUU, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động… Cùng với đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Trung Quốc, Ecuador, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan…
Dù nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2021; quý III cũng đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 33%) và cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD; cá tra 2,5-2,6 tỷ USD; cá ngừ gần 1 tỷ USD; mực, bạch tuộc khoảng 650 triệu USD; còn lại các hải sản khác khoảng 1,6 tỷ USD.