Doanh nghiệp

Xuất nhập khẩu Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có

Long Vũ 23/12/2024 - 11:06

Bộ Công Thương ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt kỷ lục 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 14/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 745,38 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD (tăng 14,5%) và nhập khẩu đạt 361 tỷ USD (tăng 16,3%). Bộ Công Thương ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt kỷ lục 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, thiết lập mức cao chưa từng có trong 40 năm đổi mới.

Đồng thời, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, với mức gần 25 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Xuất nhập khẩu Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục

Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 30% tổng kim ngạch, nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục. Các thị trường lớn khác như Trung Quốc và EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.

Đáng chú ý, cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp, và dịch vụ đều phục hồi tốt. Nông nghiệp Việt Nam có bước đột phá, với giá trị sản xuất tăng trưởng hơn 3,2% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62 tỷ USD (tăng hơn 18% so với năm 2023). Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (16,1 tỷ USD), rau quả (7,1 tỷ USD), gạo (5,7 tỷ USD), và cà phê (5,4 tỷ USD).

Đặc biệt, xuất khẩu cà phê tăng tới 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, và cao su tăng 24,6%. Các mặt hàng như rau quả, gạo, hạt điều cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi

Việc đạt xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Xuất siêu không chỉ giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ trong nước mà còn tạo môi trường ổn định cho tỷ giá hối đoái, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch tài chính và giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc đồng VND ổn định giúp hàng hóa duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng lợi từ chi phí thanh toán quốc tế thấp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ xuất siêu, dòng vốn FDI và kiều hối cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thêm nhiều thị trường tiềm năng.

>>Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đón 'làn gió mới'

Vừa xuất khẩu container cà phê chế biến sâu đầu tiên, Vietnam Coffee đã ghi dấu ấn mới tại đất nước tỷ dân

Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đón 'làn gió mới'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-nhap-khau-viet-nam-lap-ky-luc-chua-tung-co-267460.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xuất nhập khẩu Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có
    POWERED BY ONECMS & INTECH