Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?

07-01-2023 11:20|Lan Phương

Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC) nhấn mạnh, các vấn đề tại tập đoàn cần độc lập – tự do nếu không rất dễ bị thâu tóm bởi một nhóm đại gia trong nước hoặc nước ngoài. Một đồng nghiệp của Hòa Bình đã bị thâu tóm; nếu Hòa Bình cũng bị thâu tóm nữa thì đất nước sẽ mất đi thêm một thương hiệu hàng đầu quốc gia.

Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
Ông Nguyễn Công Phú (trái) và ông Dương Văn Hùng (phải)

Trong cuộc gặp mặt báo chí hôm 5/1/2023, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng đã chia sẻ những thông tin về tài chính và những bất hòa trong nội bộ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).

Tài chính “lung lay”, dòng tiền không minh bạch

Theo hai vị lãnh đạo này, mọi chuyện bắt đầu cách đây vài tháng khi HĐQT phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính – dòng tiền của doanh nghiệp.

Ông Dương Văn Hùng bộc bạch: “Trước khi trở thành thành viên độc lập ở HĐQT Hòa Bình năm 2021, tôi từng làm cố vấn chiến lược cho anh Hải trong một thời gian dài. Mọi sự nghi ngại về hoạt động của Tập đoàn chỉ diễn ra trong thời gian gần đây khi Tập đoàn bơm tiền cho các công ty con dễ dàng.

Các khoản vay 565 tỷ, 162 tỷ và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng từ các công ty con chưa thấy quay trở về; riêng khoản vay 162 tỷ đồng cho công ty con (do con trai lớn anh Hải điều hành) vào tháng 10/2022 cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu.

Ngoài ra, Kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân quen, người nhà, điều này rõ ràng là không minh bạch.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu HĐQT lập ra Tổ công tác độc lập (ITF) để kiểm tra, kiểm toán lại các hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính công ty mẹ và công ty con. Khi Tổ công tác xuống dưới công ty con do con trai lớn của anh Hải làm Tổng Giám đốc, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác, thậm chí họ còn làm khó dễ ”.

Về phía ông Nguyễn Công Phú, vị lãnh đạo này cho biết tại thời điểm tháng 10/2022, các tài khoản của Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng. Một công ty một năm làm khoảng 15.000 tỷ đồng, mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng. Lúc đó HĐQT phải cùng với ban Tổng Giám đốc buộc phải đi kiểm định xem vì sao Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ khả dụng. Sau đó, công ty đã bắt đầu nợ lương nhân viên và nhà thầu phụ đến biểu tình ở công ty để đòi nợ.

Theo ông Hùng, nhận thấy vấn đề vô cùng nghiêm trọng HĐQT dự tính miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Viết Hải nhưng ông Hải không chịu. Sau nhiều cuộc họp, HĐQT thống nhất thành lập ra Hội đồng Sáng lập để vinh danh người sáng lập và tận dụng những kinh nghiệm của ông Hải. Vậy nên, mới có việc ông Hải chấp nhận từ nhiệm Chủ tịch và đồng ý để ông Phú lên làm Chủ tịch như Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những bằng chứng để chứng minh các con số kể trên là sự thật, thì ông Phú và ông Hùng cho biết ‘hiện tại chưa thể chia sẻ”, vì còn phải đợi kết quả của cuộc họp HĐQT vào 10/1 sắp tới.

Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
Ông Lê Viết Hải

Về phía ông Lê Viết Hải, ngày 6/1, ngay sau buổi họp báo của 2 thành viên HĐQT trên tổ chức, vị lãnh đạo này đã ký văn bản thông cáo báo chí HBC với nội dung “Hành vi của các thành viên này là hành vi vi phạm pháp luật khi không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin và phát tán tài liệu mà còn cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất. Các thành viên này đã cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật nhằm động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của các cổ đông”.

Ông Hải cho rằng động cơ thật sự của các thành viên HĐQT trên là giành quyền kiểm soát công ty để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân và không loại trừ động cơ là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm Hòa Bình.

Đáng chú ý, trong buổi họp báo 5/1, khi được hỏi “Phải chăng đứng đằng sau ông và các cộng sự là một cổ đông lớn nào đó? ”, ông Phú đã khẳng định: “Tôi là người độc lập - tự do và tôi không bao giờ chấp nhận trở thành ‘con rối’ của bất kỳ ai”.

Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
Ông Nguyễn Công Phú

Vị lãnh đạo nhấn mạnh, các sự vụ tại Xây dựng Hòa Bình cũng cần độc lập – tự do nếu không rất dễ bị thâu tóm bởi một nhóm đại gia trong nước hoặc nước ngoài. Một đồng nghiệp của Hòa Bình đã bị thâu tóm mà Hòa Bình cũng bị thâu tóm nữa thì đất nước sẽ mất đi thêm một thương hiệu hàng đầu quốc gia. Vậy nên, ông quyết định phải giữ gìn thương hiệu mạnh của quốc gia với các người em tài giỏi của mình.

“Nếu tôi làm Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cũng sẽ không mua cổ phiếu Hòa Bình. Nếu ai có tiền mua cổ phiếu thì cứ mua, cứ chơi cổ phiếu. Còn tôi sẽ sống với cái cần và đủ của mình, để thanh thản mà sống! Hơn nữa, tại Việt Nam và thế giới, không thiếu Chủ tịch không nắm bất cứ cổ phiếu nào trong doanh nghiệp mà mình lãnh đạo và doanh nghiệp đó vẫn phát triển rất tốt.

Người độc lập, giỏi chiến lược và chiến thuật, dày dạn kinh nghiệm thì sẽ làm Chủ tịch tốt, dù không có cổ phiếu nào! ”, ông Nguyễn Công Phú nhấn mạnh.

Tranh chấp “vương quyền” tại HBC, “giọt nước tràn ly”?

Chia sẻ về mâu thuẫn trước đó với ông Lê Viết Hải trên Nhịp sống Thị trường, ông Phú kể rằng: “Trước khi mở các cuộc họp vào những ngày cuối năm 2022, Hải có gọi tôi và đề nghị tôi từ nhiệm. Tôi nghe mà không ngờ…

Tôi mới trả lời: Sao em nói anh như vậy!? Tôi rất tôn trọng Hải, bởi Hải là Chủ tịch của 1 công ty 5.000 người, nhưng tôi cũng từng là 1 trong trong 5 người quan trọng nhất trong 1 tập đoàn đa quốc gia. Tôi cũng chẳng thua gì Hải hết!

Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú (phải)

Ngày xưa, tôi từng là Chủ tịch châu Á – Thái Bình Dương của 1 Tập đoàn. Việc Hòa Bình xảy ra lùm xùm như thế này không đến từ tôi. Tôi là Chủ tịch được bầu với sự đồng thuận 8/8 thành viên HĐQT và có một quá khứ lẫy lừng.

Chưa hết, nếu dùng biện chứng, câu nói của Hải là sai, vì lúc đó tôi chưa làm Chủ tịch Hòa Bình thì ‘từ nhiệm’ cái gì?! Phải tới 1/1/2023, tôi mới được lên làm Chủ tịch.

Theo quan điểm của tôi, người lãnh đạo phải có sự bình tĩnh – chân thành, có khiêm cung, khiêm tốn ”.

Mở đầu năm 2023, ông Phú cũng đã gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM về việc ông Hải liên tục triệu tập các cuộc họp. Cụ thể, “Việc liên tục triệu tập cuộc họp đang vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ công ty, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên Hội đồng quản trị". Theo điều lệ của Hoà Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập họp Hội đồng quản trị phải gửi thư thông báo mời họp chậm nhất 3 ngày làm việc trước cuộc họp kèm đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, chương trình và các vấn đề cần quyết định.

Những cuộc họp này được ông Hải triệu tập với cùng một mục đích để vô hiệu hoá các nghị quyết thông qua trước đó trong đó có việc ông Hải từ nhiệm chức chủ tịch. Theo đó, công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức chủ tịch thay ông Hải và chưa bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải). Ngoài ra, Hòa Bình cũng hoãn việc thành lập Hội đồng Sáng lập - nơi ông Hải dự kiến làm chủ tịch.

Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
Thành viên HĐQT Hoà Bình

Lên tiếng về quyết định này, ông Hải cho biết: "Việc này để đảm bảo tính liên tục trong việc điều hành công ty vào thời điểm Tết Nguyên đán, bởi thay đổi người đại diện pháp luật sẽ tạo điểm nghẽn trong thanh toán và quyết toán".

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phú, việc ông Hải "tự ý ban hành nghị quyết" hoãn thi hành các nghị quyết trước đó là không có căn cứ và cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ông Hải từng khẳng định “Tôi vẫn kiểm soát công ty chứ không mất quyền hoàn toàn" vì sau khi từ nhiệm sẽ lập Hội đồng sáng lập để tham mưu, tư vấn và phản biện cho hội đồng quản trị và ban điều hành. Những gì chiến lược và trọng yếu mà Hội đồng quản trị đưa ra phải được sự đồng ý của Hội đồng sáng lập. Ông Nguyễn Công Phú, người dự kiến trở thành chủ tịch mới lúc đó đã cam kết lãnh đạo công ty trên nguyên tắc đồng thuận.

Tuy vậy ngay sau đó, ông Phú cho hay thỏa thuận giữa ông và ông Lê Viết Hải chỉ là một bản viết tay của ông với đại ý: cả hai sẽ bàn bạc để đi đến đồng thuận chung khi có quyết định thật sự quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Phú thì ở sự vụ hàng ngày của công ty, chuyện ‘thật sự quan trọng’ không nhiều và không thể chuyện gì ông cũng mang ra bàn bạc với ông Hải.

Ngoài ra, định hướng là luôn hướng đến đồng thuận cao nhất có thể nhưng trong cuộc đời, không hề có sự đồng thuận 100%! Nếu làm việc với nhau thực sự thì đừng đem cái tinh thần đồng thuận trở thành áp đặt, không thể dùng việc đồng thuận như một biểu quyết, rằng mình không đồng ý thì bên kia cũng không được làm gì.

‘Dính bẫy’ đòn bẩy tài chính, Xây dựng Hòa Bình (HBC) ngập trong nợ, gần mất sạch vốn và kế hoạch ‘thoát hiểm’

'Xây lâu đài trên cát', Hòa Bình (HBC) dùng 2 năm để 'xô đổ' thành quả tích góp 15 năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xung-dot-ghe-chu-tich-hdqt-xay-dung-hoa-binh-bat-nguon-tu-dau-khi-nao-165257.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ đâu, khi nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH