Nhà Hoà Bình đã lỗ 7/8 năm gần nhất. Gánh nặng từ công ty con là một trong những yếu tố khiến HBC - ông lớn làng thầu xây dựng suy yếu.
Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước (Ông Lê Viết Hải từ nhiệm Chủ tịch Nhà Hoà Bình), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa ra quyết định miễn nhiệm vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT tại CTCP Nhà Hoà Bình của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/6 theo đơn từ nhiệm.
Theo tìm hiểu, Nhà Hoà Bình là công ty con do Xây dựng Hoà Bình nắm 99,96% vốn. Ông Lê Viết Hoà (con trai cả của ông Lê Viết Hải) đang là Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Nhà Hoà Bình.
Còn nhớ Nhà Hoà Bình chính là một trong hai công ty được các cựu Thành viên HĐQT HBC Dương Văn Hùng và Nguyễn Công Phú nhận định là nguồn cơn của xung đột cho chiếc ghế Chủ tịch tại Hoà Bình hồi cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng |
Cụ thể, trong buổi chia sẻ với báo giới hồi đầu tháng 1/2023, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng cho biết xung đột ghế Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình bắt nguồn từ cuối năm 2022 khi HĐQT phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính – dòng tiền của doanh nghiệp. Ông Dương Văn Hùng bộc bạch: “Mọi sự nghi ngại về hoạt động của Tập đoàn chỉ diễn ra trong thời gian gần đây khi Tập đoàn bơm tiền cho các công ty con dễ dàng (Địa ốc Tiến Phát, Nhà Hoà Bình).
Các khoản vay 565 tỷ, 162 tỷ và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng từ các công ty con chưa thấy quay trở về; riêng khoản 162 tỷ đồng cho công ty con vay (do con trai lớn anh Hải điều hành) vào tháng 10/2022 cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu.
Ngoài ra, kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân quen, người nhà (ý nói ông Hải - PV), điều này rõ ràng là không minh bạch.”
Ông Phú cũng thông tin, “khi tổ công tác HĐQT kiểm toán lại các hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính công ty mẹ và công ty con do con trai lớn của anh Hải làm Tổng Giám đốc đã không nhận được sự hợp tác, thậm chí họ còn làm khó dễ”.
Đáng chú ý việc “cho vay dễ dàng” diễn ra trong bối cảnh “các tài khoản của Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng tính tới tháng 10/2022”.
Theo lời ông Phú, Hoà Bình - công ty một năm làm khoảng 15.000 tỷ đồng mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng. Sau đó, HBC đã bắt đầu nợ lương nhân viên và nhà thầu phụ đến biểu tình ở công ty để đòi nợ.
Các thông tin “nội bộ” từ phía ông Nguyễn Công Phú hé mở cho nhà đầu tư thấy “góc khuất” tại Xây dựng Hòa Bình. Tuy nhiên, khi được hỏi về những bằng chứng để chứng minh các con số kể trên là sự thật, thời điểm đó ông Phú và ông Hùng cho biết “hiện tại chưa thể chia sẻ”.
Dù vậy, những con số cụ thể trên báo cáo tài chính quý 4/2022 và quý 1/2023 cho thấy dòng tiền ngày càng xấu đi, kết quả kinh doanh bết bát là minh chứng xác thực việc HBC đang gặp nhiều vấn đề về tài chính.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Báo cáo tài chính quý 4/2022 của Hòa Bình ghi nhận tổng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 230% lên mức 496 tỷ đồng trong đó 358 tỷ là trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (tăng 335 tỷ đồng so với cùng kỳ) qua đó nâng tổng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đến 31/12/2022 lên mức 774 tỷ.
Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ đồng nhưng phía Hòa Bình đã không có giải trình cụ thể. Bên cạnh đó, khoản tiền ứng hàng trăm, thậm chí phát sinh hơn 800 tỷ đồng trong quý 2/2022 cũng không ghi cụ thể cho ai ứng và ứng với mục đích gì.
Việc tăng trích lập “bất thường” khiến HBC lỗ sau thuế tới 1.200 tỷ trong quý 4; lợi nhuận cả năm âm 1.140 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục từ khi niêm yết. Đến nay, báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của Hoà Bình vẫn chưa được công bố kéo theo hậu quả là cổ phiếu HBC tới đây sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Quay lại câu chuyện của doanh nghiệp mà ông Lê Viết Hải vừa rời bộ máy lãnh đạo - được biết năm 2022, Nhà Hoà Bình đóng góp hơn 19% vào khoản lỗ của HBC với 214 tỷ khi chưa loại trừ giao dịch nội bộ.
Khoảng thời gian trước đó, tình hình kinh doanh của công ty thành viên này cũng lâm cảnh bết bát với chuỗi thua lỗ từ 2014 đến nay (duy nhất năm 2020 báo lãi ròng 8,5 tỷ đồng). Năm 2021, trước ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, Nhà Hoà Bình lỗ 85 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng |
TTC Land (SCR) khởi kiện công ty con của Xây dựng Hòa Bình (HBC) đòi lại mặt bằng
TTC Land (SCR) thu hồi mặt bằng đang cho công ty con của Xây dựng Hòa Bình (HBC) thuê