Trải qua ngàn năm lịch sử, phong tục gói bánh chưng ngày Tết để dâng cúng tổ tiên vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.
Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó bánh Chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng.
Trong xã hội hiện đại nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một tập quán xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay và mãi về sau đó là tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, còn bánh giầy hình tròn tượng trưng cho mặt trời, bầu trời. Đất nước Việt Nam vốn phát triển từ nền văn minh lúa nước, nên rất coi trọng và thờ cúng trời đất.
Vào những ngày cuối năm, nhà nhà thường sẽ quây quần bên nhau và cùng gói chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người lau lá, người vo đậu, người ngâm nếp là khung cảnh ấm áp và quen thuộc trong trí nhớ của mỗi người. Sau khi đã chuẩn bị xong thì cả nhà sẽ cùng gói bánh. Ông bà, cha mẹ hướng dẫn cho mấy đứa trẻ con trong nhà cách tạo ra những chiếc bánh chưng vuông vức và thơm ngon.
Vì vậy, người Việt thường dâng bánh chưng trong các lễ cúng ngày Tết để bày tỏ lòng thành, sự biết ơn đến đất trời vì một năm mưa thuận gió hòa vừa qua. Ngoài ra, bánh chưng còn thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của dân tộc Việt Nam, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ.
*Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
>> Chỉ mong Tết để được cười đùa bên những chiếc bánh chưng méo mó của bố
Cách cắm hoa lay ơn bền đẹp, 'bung lụa' tận ngọn đón Tết của 8X Hải Phòng
Lịch trình du xuân biển đảo dịp Tết Giáp Thìn với 10 triệu đồng