Giai thoại về vị Vua Hùng đầu tiên lên ngôi nhờ thi tuyển, có vợ được tôn là Thần, ‘tác giả’ của loại bánh quen thuộc với tất cả người Việt
Ông là một trong những nhân vật quen thuộc với mọi người dân đất Việt, luôn được nhắc đến mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Cuộc "tuyển vua" có một không hai
Hùng Vương thứ 7 - Lang Liêu là một trong những vị vua nổi tiếng nhất trong 18 đời Hùng Vương. Ông được biết đến là người khởi nguồn cho sự ra đời của bánh chưng, bánh giầy - hai món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, Lang Liêu còn là vị vua lên ngôi thông qua hình thức thi tuyển.

Tương truyền, sau khi đánh thắng giặc Ân, đất nước trở lại yên bình, Hùng Vương thứ 6 (Hùng Hy Vương) nghĩ đến chuyện tìm người kế vị. Vua triệu tập các hoàng tử và phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho người làm ta hài lòng nhất. Cuối năm nay, mỗi người hãy dâng một mâm cỗ với những món ngon nhất để cúng tổ tiên. Ai có mâm lễ khiến ta ưng ý nhất sẽ được truyền ngôi”.
Thế là một cuộc thi đặc biệt đã diễn ra giữa các hoàng tử. Họ thi nhau tìm kiếm sơn hào hải vị ở khắp nơi. Riêng Lang Liêu, tên húy là Tiên Lang - con trai thứ 18 của Hùng Vương thứ 6, sinh ra từ người vợ thứ phi hiền hậu lại rơi vào hoàn cảnh éo le.
Dù được vua yêu quý, nhưng vì bị các phi tần khác ghen ghét, mẹ chàng bị ghẻ lạnh đến mức buồn phiền mà mất. Lang Liêu vì vậy trở nên cô độc, chưa vợ con, gia cảnh lại nghèo khó, không người giúp đỡ, quanh quẩn trong nhà không nghĩ ra được món gì để dâng vua cha.
Lang Liêu trằn trọc nhiều đêm, thi thoảng ngửi thấy mùi thơm quen thuộc của lúa nếp, nhớ mẹ mà rơi nước mắt thiếp đi. Trong giấc mơ, mẹ hiện về và nói:
“Con người là quý nhất trên đời, tiếp đó là lương thực nuôi sống con người như gạo tẻ, gạo nếp - thứ ngọc thực của trời đất. Dù nguyên liệu giống nhau, cách nấu và tấm lòng sẽ tạo nên điều khác biệt. Cha con thường luận chuyện Trời - Đất qua quẻ Kiền, Khôn. Vậy con hãy làm hai loại bánh: bánh hình vuông tượng trưng cho Đất - gọi là bánh chưng; bánh hình tròn tượng trưng cho Trời - gọi là bánh giầy. Hãy nhớ nói điều này với phụ vương trong ngày Tết”.

Tỉnh giấc, Lang Liêu làm theo lời mẹ. Chàng chọn gạo nếp trắng tinh, hạt tròn mẩy, vo sạch để gói bánh hình vuông, ở giữa là nhân đậu xanh, thịt lợn, ngoài bọc lá xanh - tượng trưng cho cây cỏ, muông thú. Bánh được nấu kỹ trong nhiều giờ, gọi là bánh chưng. Chàng còn đồ chín gạo nếp, giã nhuyễn, nặn thành hình tròn - biểu tượng của Trời - gọi là bánh giầy.
Đầu năm mới, các hoàng tử dâng mâm cỗ với toàn cao lương mỹ vị lùng sục khắp chân trời góc bể. Riêng mâm cỗ của Lang Liêu thì giản dị đến mức bị các anh em xem thường, cười cợt. Thế nhưng, vua Hùng lại dừng lại lâu nhất trước mâm cỗ của Lang Liêu. Sau khi nghe chàng kể ý nghĩa của hai loại bánh, vua càng nghe càng gật gù tâm đắc. Ngài nhận thấy bánh thể hiện trọn vẹn lòng hiếu thảo, tấm lòng hướng về tổ tiên và Trời - Đất. Từ đó, Lang Liêu được truyền ngôi, trở thành Hùng Vương thứ 7.

Theo Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả Vĩnh Truyền (soạn năm Thiên Phúc nguyên niên - 980, triều Lê Đại Hành) và Hùng Đồ Thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyền (soạn năm Hồng Đức tam nguyên - 1472, đời Lê Thánh Tông), Thụy hiệu của ông là Hùng Chiêu Vương Minh Tông hoàng đế, được truy phong là Hùng Vương Dương Long Nghĩa Lĩnh Thần Công Dũng Lược Thánh Vương.
Người vợ được phong Thần
Theo Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố biên soạn theo lệnh vua Lê vào năm 1470, Hùng Vương thứ 7 hiệu là Hùng Chiêu Vương là một trong những vị vua Hùng sống rất thọ.
Cũng theo tài liệu này, trong thời kỳ Hùng Chiêu Vương trị vì, Phật giáo lần đầu tiên được ghi nhận truyền vào nước ta. Trước đó, tuy có nhắc đến đền chùa, nhưng chủ yếu liên quan đến thờ thần tiên, tổ tiên. Từ đời Hùng Chiêu Vương mới xuất hiện những khái niệm đặc trưng của Phật giáo như biển Giác, Bát nhã, Niết bàn, ăn ở chay tịnh…

Đời vua còn ghi nhận một sự kiện đặc biệt: sự xuất hiện của ấn kiếm tượng trưng cho vương quyền. Ngọc phả chép: “Chiêu Vương ngự giá về cung, sai đem khối ngọc khắc thành quả bảo ấn, dùng móng rồng bằng ngọc tạc thành chuôi kiếm. Trên ấn khắc ba chữ ‘Thiên Linh ấn’, trên chuôi gươm khắc ‘Thiên Lĩnh nhẫn’. Từ đó, xã tắc yên ổn, triều đình vững vàng”.
Vợ vua là bà Lăng Thị Tiêu, một nữ tướng tài ba từng chỉ huy 3.000 quân đánh giặc tại Ngã Ba Hạc, giải nguy cho đô thành Văn Lang. Nhân dân tôn thờ bà tại đền Tây Thiên, Tam Đảo, truy phong mỹ tự: “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Thái Phu nhân Chi Thần.”
Con trai trưởng của bà, hoàng tử Uy Vương, được kế thừa ngôi báu, trở thành Hùng Vương thứ 8.
Tin vui: Người lao động nhận 490% lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2025, cao gấp 5 lần ngày thường
Dự báo thời tiết 6/4/2025: Miền Bắc mưa giông dịp Giỗ Tổ Hùng Vương