Y tế cơ sở TP.HCM loay hoay với bài toán thu hút nguồn nhân lực
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có 1.024 nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xin nghỉ việc.
Ảnh minh hoạ. |
Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có các chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở nhưng số lượng nhân lực có chuyên môn ở tuyến này vẫn còn thiếu do nhiều nguyên nhân.
Để y tế cơ sở phát triển, thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, cần có những chính sách ổn định và lâu dài để nhân viên y tế yên tâm làm việc, gắn bó với y tế cơ sở.
Kiến nghị này được đưa ra tại buổi giám sát của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình triển khai củng cố “Nâng cao năng lực y tế cơ sở-Chăm sóc sức khỏe nhân dân" chiều 6/11.
Báo cáo tại buổi giám sát, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau gần hai năm thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 7/4/2022 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đến năm 2025; Đề án Phát triển Y tế Cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, đến nay, tuyến y tế cơ sở đã thu hút, tăng cường được 1.123 nhân lực với tổng kinh phí chi trả trên 66 tỷ đồng.
Cụ thể, đã có 375 bác sỹ trẻ tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế; 153 người lao động cao tuổi về công tác tại y tế cơ sở, 584 nhân viên bảo vệ, vệ sinh và một số vị trí khác. Điều này đã giúp lực lượng nhân sự công tác tại tuyến y tế cơ sở tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế vẫn chưa được như kỳ vọng, có 18 bác sỹ trẻ sau khi tốt nghiệp lựa chọn về công tác tại y tế cơ sở.
Nguyên nhân là do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kỹ thuật khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa cao, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp ở tuyến này chưa rõ ràng...
Cùng với đó, trong và sau đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có 1.024 nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xin nghỉ việc.
Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc thu hút nguồn nhân lực và giữ chân được đội ngũ nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở là thách thức lớn vượt quá khả năng của ngành y tế. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Do đó, sự quan tâm của chính quyền địa phương bằng các chính sách đãi ngộ đặc thù sẽ là chìa khóa để giữ chân được nhân viên y tế ở lại công tác tại địa phương.
Đồng quan điểm, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố cần quan tâm nhiều hơn, có những chính sách ưu đãi đối với nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở thì mới có thể giữ được nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn. Thực tế, tình trạng nhân viên y tế bỏ y tế cơ sở để tìm cơ hội khác ở các tuyến trên diễn ra thường xuyên.
“Mười năm nay, mỗi tuần, Bệnh viện Hùng Vương đều đưa nhân viên xuống khám sản phụ khoa và đào tạo chuyên môn cho Bệnh viện huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, các y bác sỹ tại đây được đào tạo xong một thời gian thì lại nghỉ việc. Như vậy, hoạt động hỗ trợ tuyến dưới giống như đang 'bắt cóc bỏ đĩa.' Cần phải có phương án lâu dài để giữ chân họ ở lại gắn bó lâu dài với y tế cơ sở,” bác sỹ Tuyết chia sẻ.
Cũng theo bác sỹ, hầu hết các bác sỹ mới ra trường đều thích về các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa bởi ngoài thu nhập ổn định, họ còn có cơ hội học tập nâng cao tay nghề.
Về vấn đề phát triển y tế cơ sở, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho ngành y tế vì đây là lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp sức khỏe người dân.
Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là nâng cao tuổi thọ và chất lượng sống của người dân. Điều này không thể thiếu vai trò của y tế cơ sở.
Trước mắt, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố chính sách về thu nhập; chính sách về đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên y tế; chính sách đẩy mạnh đầu tư công, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải lãng phí.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh Nghị quyết 01 của Hội đồng Nhân dân thành phố ra đời nhằm hướng đến nâng chất tuyến y tế cơ sở, đầu tư đồng bộ, hiện đại cho hệ thống y tế cơ sở...
Sau gần 2 năm thực hiện, Nghị quyết đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình giám sát, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, từ đó có những kiến nghị bổ sung thêm cơ chế, chính sách để thực hiện thành công Nghị quyết này đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
17 tuyến xe buýt điện ‘gom’ khách cho metro số 1 sẽ hoạt động từ ngày 20/12
Thông tin mới nhất về việc gỡ vướng 800 tỷ thuê đất cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn