Lộ diện địa phương dẫn đầu cả nước về vốn đầu tư nước ngoài, vượt ‘thủ phủ FDI’ Bắc Ninh
Địa phương này thu hút FDI hơn 5,2 tỷ USD nửa đầu năm, với nhiều dự án lớn từ Qualcomm, Avery Dennison... góp phần đưa thành phố vượt Bắc Ninh về vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Báo điện tử Đầu tư, TP. HCM mới, hình thành sau khi sáp nhập 3 địa phương gồm TP. HCM cũ, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận tổng vốn FDI hơn 5,2 tỷ USD trong nửa đầu năm. Cụ thể, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút 1,3 tỷ USD; Bình Dương đạt 0,9 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024; phần còn lại đến từ TP. HCM cũ. Với kết quả này, Thành phố đã vượt qua Bắc Ninh, địa phương từng được mệnh danh là “thủ phủ FDI” với mức thu hút hơn 3 tỷ USD, trong đó 2,84 tỷ USD (tính đến 20/6) thuộc về Bắc Ninh cũ.
Thành công về FDI của TP. HCM mới không chỉ đến từ quy mô địa giới hành chính mở rộng, mà còn nhờ sự xuất hiện của nhiều dự án đầu tư lớn trong nửa đầu năm. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc tập đoàn Avery Dennison Worldon Việt Nam đầu tư thêm nhà máy sản xuất nhãn mác tại huyện Củ Chi với tổng vốn 4,7 triệu USD, công suất xử lý 800.000 nhãn/ngày. Đây là nhà máy thứ 3 của tập đoàn tại Việt Nam và là một trong bốn cơ sở lớn trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định vai trò trung tâm sản xuất mới của thành phố trong ngành công nghiệp phụ trợ thời trang và dệt may.
Cùng với đó, tập đoàn công nghệ Qualcomm đã đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới tại TP. HCM. Trung tâm này tập trung vào nghiên cứu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới, bao gồm AI sinh tạo cho smartphone, máy tính, thiết bị thực tế mở rộng (XR), ô tô và thiết bị IoT. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong chiến lược thu hút FDI công nghệ cao của thành phố.
Ngoài ra, TP. HCM mới đang đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao và khu công nghiệp xanh. Khu Công nghệ cao TP. HCM đã được mở rộng thêm 195 ha nhằm đón dòng vốn đầu tư trong các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các khu công nghiệp mới như Phạm Văn Hai I và II cũng đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng để thu hút nhà đầu tư công nghệ tiên tiến.
![]() |
Nửa đầu năm 2025, TP. HCM thu hút hơn 5,2 tỷ USD vốn FDI (Ảnh minh họa) |
Về hạ tầng kết nối, thành phố đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 4, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, và cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Cùng với các dự án phát triển đô thị theo mô hình giao thông định hướng (TOD), hệ thống logistics của thành phố sẽ được nâng cấp toàn diện. Trong năm 2024–2025, TP.HCM mới kêu gọi đầu tư vào 84 dự án trọng điểm với tổng mức vốn gần 296.000 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD. Phần lớn các dự án này kỳ vọng thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao.
Việc tích hợp ba địa phương có cơ cấu kinh tế – công nghiệp khác biệt đã tạo nên một cực tăng trưởng FDI toàn diện. TP. HCM mới kết hợp được hệ thống hạ tầng công nghiệp – logistics hiện đại của Bình Dương, hệ thống cảng biển và ngành dầu khí từ Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng lợi thế về công nghệ cao, nghiên cứu phát triển và thị trường dịch vụ của TP. HCM cũ. Nhờ vậy, thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm một địa bàn có tính liên kết, thuận lợi trong chuỗi cung ứng và ổn định về chính sách.
>> Đại bàng FDI lớn nhất Việt Nam đề xuất một điều quan trọng với Bắc Ninh