Tú Lệ là xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số từ tháng 8/2021.
Sau hơn 8 tháng thí điểm việc xây dựng hạ tầng số của xã đã có những thay đổi tích cực.
Đến nay xã đã khắc phục tình trạng sóng di động 3G kém tại một số thôn của xã, đảm bảo 100% thôn, bản có sóng di động 3G, tỷ lệ bao phủ người dân dùng 4G đạt 95,29%. Cùng với đó 100% thôn, bản trên địa bàn xã Tú Lệ có dịch vụ cố định băng rộng cáp quang.
Tổng số thuê bao Internet băng thông rộng cáp quang phát triển trên địa bàn xã là 556 thuê bao. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 41,49%. 100% cán bộ công chức xã sử dụng máy tính đảm bảo cấu hình phục vụ công việc chuyên môn.
Là cơ quan chủ trì, dẫn dắt chuyển đổi số xã Tú Lệ, Sở TT&TT Yên Bái đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng CNTT; đồng thời triển khai các ứng dụng, nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Sở cũng chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho 45 cán bộ công chức UBND xã các nội dung về sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến; cài đặt App Công dân số, Web Công dân số, Chính quyền số và sử dụng phần mềm Quản lý văn bản... công tác đào tạo, hướng dẫn đã giúp nâng cao nhận về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng số của các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn xã.
Về triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số, đến nay, tỷ lệ thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ là 48,14%; 100% cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức có thẩm quyền thuộc UBND xã được cấp chữ ký số chuyên dùng.
Xã đã được cấp 27 tài khoản phần mềm quản lý văn bản. 100% văn bản được tiếp nhận và xử lý đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản.
Bên cạnh đó, kinh tế số, xã hội số của xã cũng bắt đầu được hình thành: 100% sản phẩm nông sản, đặc sản của bà con được đưa lên sàn thương mại điện tử; 35,42% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, tăng 16,74%; 32,91% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, tăng 17%; 82,86% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Về hệ thống truyền thanh thông minh, đã lắp đặt 12 cụm loa (24 loa) tại 9/9 thôn, bản, hệ thống đã hoạt động ổn định, phát sóng theo 2 khung giờ hàng ngày từ 5h – 7h30 và từ 17h – 19h. Chất lượng âm thanh tốt, giảm thiểu thời gian, công sức của cán bộ quản lý, vận hành Đài truyền thanh xã...
Trong lĩnh vực giáo dục, Tú Lệ đã triển khai sử dụng thống phần mềm quản lý nhà trường giúp cập nhật quản lý lớp học tại các cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Các phần mềm thường xuyên sử dụng tính năng học bạ điện tử, quản lý điểm, quản lý nhân sự, lịch báo giảng, thời khóa biểu, khai thác kho học liệu số... phục vụ hoạt động quản lý dạy và học của nhà trường. Trạm y tế xã hiện đang ứng dụng các phần mềm phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS và Phần mềm quản lý trạm y tế HMIS...
Theo đồng chí Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái: Qua thời gian triển khai chuyển đổi số ở Tú Lệ, việc xây dựng mô hình chuyển đổi số tại xã Tú Lệ đã đạt được khoảng 80% kế hoạch đề ra.
Từ kinh nghiệm triển khai mô hình tại chuyển đổi số tại Tú Lệ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ tham mưu xây dựng bộ tiêu chí chuyển đổi số cơ bản và bộ tiêu chí chuyển đổi số nâng cao để triển khai mở rộng tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cũng nhận định: Trong năm 2022, để phát huy kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái đề nghị UBND huyện Văn Chấn chỉ đạo UBND xã Tú Lệ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn năm 2022 của UBND tỉnh. Quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là về CNTT cho UBND xã phục vụ chuyển đổi số.
Đồng thời, chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi số ra các xã của huyện Văn Chấn, trong năm 2022 có ít nhất 30% xã triển khai theo mô hình Tú Lệ. “Cần vận dụng cách làm hay, sáng tạo, giao nhiệm vụ cho các Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã/thôn trên địa bàn huyện”, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái lưu ý.
Với riêng Tú Lệ, lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái đề nghị UBND xã tập trung đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn bản để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số.
Cùng với đó, duy trì bộ phận giám sát điều hành thông minh xã, trang thông tin điện tử xã đảm bảo hoạt động hiệu quả, thống nhất.
Là xã miền núi thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ có 9 đơn vị thôn được phân bố ở 9 khu vực dân cư riêng biệt. Toàn xã có 1.340 hộ dân với tổng số gần 6.400 nhân khẩu.
Xã có tỷ lệ người dân tộc Thái chiếm tới 93,3%. Tổng số người dân trong độ tuổi lao động là 3.153, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 3.053, đạt 96,8%; thu nhập bình quân đầu người qua rà soát đến hết năm 2021 đạt 37,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2021 theo chuẩn nông thôn mới là 11,2%.