Xã hội

Yêu cầu kiểm tra vụ hàng trăm căn hộ nứt tường nghi do rung chấn động đất

Ngọc Mai 31/03/2025 - 17:56

Liên quan việc hàng trăm căn hộ chung cư tại TPHCM bị nứt tường, tróc nền nghi do rung chấn động đất từ Myanmar, Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra và tìm nguyên nhân.

Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 31/3, một lãnh đạo của Cục Giám định Nhà nước về các công trình - Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã có công văn gửi UBND TPHCM yêu cầu báo cáo việc hàng trăm căn hộ ở chung cư Diamond Riverside, đường Võ Văn Kiệt, phường 16 (quận 8) bị nứt tường, bong tróc nền. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.

Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xây dựng, quy định các nhà ở của Việt Nam phải chống được động đất cấp 7. Các tòa nhà cao tầng chỉ thực sự nguy hiểm khi động đất đạt cường độ nhất định, ảnh hưởng tới chất lượng, kết cấu, độ an toàn của công trình. Vị trí địa lý của Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương nên khả năng không thường xuyên gặp phải những trận động đất mạnh như ở Nhật Bản, Myanmar, Indonesia...

Vị này cho biết, đối với các công trình tại Việt Nam, thiết kế công trình chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, đặc biệt trong các khu vực địa chất không ổn định. Và về mặt luật pháp, đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.

Yêu cầu kiểm tra vụ hàng trăm căn hộ nứt tường nghi do rung chấn động đất ảnh 1
Hàng trăm chung cư tại TPHCM nứt nghi liên quan rung lắc động đất tại Myanmar.

Lo ngại các khu chung cư hết niên hạn sử dụng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Thịnh - nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, các công trình tại Việt Nam đều tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về chống động đất.

Cụ thể, tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) có các điều kiện tự nhiên trong đó có bản đồ phân vùng động đất và gia cố nền làm căn cứ tải trọng các công trình. Sau đó, Tiêu chuẩn 9386 (2012) tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng chịu động đất.

"Các quy chuẩn, tiêu chuẩn của mình cho công trình chịu động đất rất chặt chẽ. Các công trình tuân thủ theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn này hoàn toàn yên tâm", ông Thịnh nói.

Theo đó, để thực hiện thiết kế công trình chống động đất, các chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế cần tuân theo các bước từ đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất có thể tác động lên công trình có kể đến các yếu tố như độ cứng của đất, cấu trúc địa chất, và độ cao của công trình.

Thiết kế cấu trúc của công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu được động đất. Cấu trúc này bao gồm các hệ thống khung chịu lực, tường cứng, lõi cứng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm tăng cường độ bền vững của công trình.

Sau khi hoàn thành thiết kế, chủ đầu tư cần nộp hồ sơ để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Quá trình này đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

Trong quá trình thi công, cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất để đảm bảo chất lượng công trình.

Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác từ cấp 2 trở lên thuộc danh mục công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng nên phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh hoặc của Bộ Xây dựng.

"Trên đây là những yêu cầu bắt buộc mà mọi công trình xây dựng trong khu vực có nguy cơ động đất cần tuân thủ. Thiết kế, thi công công trình chống động đất không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất. Yêu cầu thiết kế, thi công chống động đất cần được thực hiện đầy đủ và chính xác để đảm bảo chất lượng và độ bền vững của công trình", ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng đối với các khu chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, thậm chí các tòa nhà được xếp loại D (phải di dời) tại Hà Nội, TPHCM thì đều xây dựng trước khi có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về động đất qua thời gian đã hết công năng sử dụng. Theo đó, nếu các công trình này không được gia cố khi xảy ra động đất có nguy cơ về nứt, thậm chí sụp đổ khi xảy ra động đất và rung chấn mạnh.

"Các công trình này cần được gia cố ngay sẽ tăng khả năng chịu động đất. Tuy nhiên, chi phí gia cố các tòa nhà cũ tốn kém và ai là người chịu trả chi phí đó mới vấn đề", ông Thịnh nói.

>> Động đất Myanmar: Hơn 300 căn hộ ở TP. HCM bị nứt nghi do ảnh hưởng từ dư chấn

Cảnh báo khẩn: Quốc gia lớn gấp 1,14 lần Việt Nam dự báo siêu động đất có thể khiến gần 300.000 người tử vong

Nhật Bản cảnh báo siêu động đất có thể khiến gần 300.000 người thiệt mạng, hơn 12 triệu người phải sơ tán

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/yeu-cau-kiem-tra-vu-hang-tram-can-ho-nut-tuong-nghi-do-rung-chan-dong-dat-post1729800.tpo?zarsrc=31
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Yêu cầu kiểm tra vụ hàng trăm căn hộ nứt tường nghi do rung chấn động đất
    POWERED BY ONECMS & INTECH