1,6 tỷ dân, gần nửa GDP toàn cầu: Bộ ba siêu cường châu Á thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ?
Bằng cách kết hợp sức mạnh kinh tế, năng lực công nghệ và mối liên kết văn hóa, sự hợp tác có thể được nâng lên thành một lực lượng truyền cảm hứng, mang tính chuyển đổi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã có chuyến đi tới Tokyo để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 3 bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc lần thứ XI, cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 11/2023.
Trong chuyến thăm này, ông cũng đồng chủ trì Đối thoại Kinh tế Cấp cao Trung Quốc - Nhật Bản lần thứ VI cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya.

Chuyến thăm đã mang lại kết quả tích cực với 20 điểm đồng thuận được thông qua trong đối thoại kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực từ thương mại đến phát triển xanh, kèm theo cam kết tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay.
Chỉ vài ngày trước đó, ông Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết, “khi tham dự Diễn đàn Bàn tròn Nhật Bản lần thứ XX tại Tokyo, tôi đã chứng kiến đà phát triển mạnh mẽ trong hợp tác ở Đông Á. Ba quốc gia gắn kết chặt chẽ về mặt địa lý - là những người láng giềng không thể tách rời. Mối quan hệ gần gũi này đòi hỏi ưu tiên phát triển quan hệ địa chính trị, tận dụng sức mạnh chung để mang lại lợi ích cho nhau”.
Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau là nền tảng ổn định của khu vực.
Năm ngoái, thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đạt 293 tỷ USD – Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Nhật Bản và là nguồn nhập khẩu lớn nhất, mặc dù thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nước này - đã tăng 6,6% trong năm qua. Các dòng đầu tư cũng phát triển mạnh: các công ty Nhật Bản củng cố ngành sản xuất của Trung Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc đang khai thác các lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, thương mại toàn cầu hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu xu hướng bảo hộ mậu dịch tái xuất, với các mối đe dọa về thuế quan và một khối Bắc Mỹ do Mỹ dẫn đầu đang hình thành.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm tái khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Dựa trên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vốn đã thúc đẩy xuất khẩu trong khu vực, một hiệp định như vậy có thể tận dụng khả năng sản xuất chính xác của Nhật Bản, sức mạnh ngành bán dẫn của Hàn Quốc và thế mạnh hậu cần của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang theo đuổi các khuôn khổ hợp tác khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Số (DEPA) - sáng kiến của New Zealand, Singapore và Chile - và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhật Bản, một mắt xích quan trọng trong CPTPP, có thể hỗ trợ Trung Quốc gia nhập, từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng chung của khu vực.
Đối mặt với các thách thức khu vực
Ngoài thương mại, hợp tác giữa các quốc gia Đông Á cần giải quyết nhiều thách thức khu vực quan trọng.
Dân số già hóa đang trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự, đặc biệt tại Trung Quốc với hơn 300 triệu người trên 60 tuổi - chiếm gần một phần tư dân số - gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống y tế và lương hưu.
Nhật Bản với kinh nghiệm nhiều thập kỷ trong chăm sóc người già và robot học, cùng với Hàn Quốc với các sáng tạo công nghệ y tế tiên tiến, đều cung cấp những mô hình đáng học hỏi. Nghiên cứu chung có thể biến thách thức dân số này thành cơ hội phát triển.
Biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi hành động tập thể mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực. Chúng ta chia sẻ cùng một hệ sinh thái và đối mặt với những thách thức chung từ ô nhiễm không khí đến các mối đe dọa từ biển. Điều này đã thể hiện qua sự đồng thuận đạt được vào ngày 20/9 giữa Trung Quốc và Nhật Bản về minh bạch trong quản lý nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Sự linh hoạt của chuỗi cung ứng cũng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Hệ thống cảng, đường sắt và lực lượng lao động dồi dào của Trung Quốc bổ sung hoàn hảo cho ngành sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản và chuyên môn về bán dẫn của Hàn Quốc.
Sự gần gũi địa lý tạo cơ hội để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và hiệu quả - tiềm năng cho một nhãn hiệu "Sản xuất tại Đông Á" có sức cạnh tranh toàn cầu.
Hợp tác văn hóa
Mối quan hệ kinh tế chỉ là một phần câu chuyện. Di sản chung đậm đà ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo tạo nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc. Những truyền thống này nhấn mạnh sự hài hòa và tôn trọng, giúp giảm thiểu rào cản giao tiếp ở cả cấp chính phủ và xã hội dân sự.

Giới trẻ đang thúc đẩy mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ. Người hâm mộ K-pop tại Trung Quốc, những người yêu thích anime tại Hàn Quốc và sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Nhật Bản đang tạo nên làn sóng trao đổi văn hóa năng động.
Du lịch cũng giúp tăng cường kết nối khi các biện pháp tạo thuận lợi visa của Trung Quốc kết hợp với chính sách chào đón của Nhật Bản đã thúc đẩy lượng du khách tăng mạnh. Khi các mối quan hệ này ngày càng sâu sắc, rào cản chính trị dần bị xóa bỏ, mở đường cho một Đông Á thống nhất.
Điều này phản ánh sức mạnh của biên giới mở và văn hóa chung. Khi các mối quan hệ này ngày càng sâu sắc, rào cản chính trị dần bị xóa bỏ, mở đường cho một Đông Á thống nhất.
Những mối kết nối này tạo ra sức mạnh, và Châu Á cần nắm bắt cơ hội này để dẫn đầu. Là các cường quốc kinh tế, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - đại diện cho 1,6 tỷ người - có thể dẫn dắt nỗ lực này cùng với ASEAN và các đối tác khác, từng bước xây dựng một "Liên minh Á Châu" có tiềm năng thống nhất gần một nửa dân số và nền kinh tế thế giới vào giữa thế kỷ.
McKinsey dự đoán châu Á sẽ đóng góp một nửa vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu vào năm 2030, minh chứng cho tiềm năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ: Trung Quốc cung cấp gần một nửa tài năng trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc luôn đứng đầu về số lượng hồ sơ sáng chế toàn cầu.
Sự nhấn mạnh của DEPA vào thương mại kỹ thuật số bổ sung hoàn hảo cho RCEP và CPTPP, củng cố khả năng phục hồi khu vực và khẳng định vai trò lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu của châu Á. Ba quốc gia này có thể tiên phong trong các sáng kiến chung như các trung tâm nghiên cứu AI phối hợp liên kết Bắc Kinh, Tokyo và Seoul, hoặc xây dựng một nền tảng thương mại điện tử thống nhất để đơn giản hóa giao thương.

Quy mô thị trường và năng lực đổi mới sáng tạo của Đông Á có thể sánh ngang với bất kỳ khối kinh tế nào, tạo ra một đối trọng với sự thống trị của phương Tây và giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài.
Thành công trong hợp tác này sẽ truyền cảm hứng cho sự đoàn kết rộng rãi hơn trong châu Á, từ mạng 5G chuẩn hóa đến các dự án khám phá vũ trụ chung. Bằng cách kết hợp sức mạnh kinh tế, khả năng công nghệ và những mối liên kết văn hóa, chúng ta có thể biến hợp tác thành một lực lượng chuyển đổi, khơi dậy tiến trình hội nhập toàn cầu.
Quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của châu Á. Trong một thế giới đang ngày càng phân mảnh, sự hợp tác này trở thành yếu tố sống còn. Thương mại, chuỗi cung ứng và các mối quan hệ văn hóa đã và đang vượt lên trên những khác biệt.
Những điểm đồng thuận đạt được tại Tokyo gần đây chứng tỏ chủ nghĩa thực dụng có hiệu quả thực sự. Đã đến lúc cần tận dụng sức mạnh tổng hợp và chung tay hình thành một thế kỷ Á Châu - ngay từ bây giờ.
Theo SCMP