6 triệu USD khiến những gã khổng lồ chao đảo: DeepSeek và AI Trung Quốc đang xâm chiếm thế giới như thế nào?
Câu chuyện về DeepSeek không chỉ là sự đột phá trong công nghệ mà còn là một cú sốc kinh tế mạnh mẽ đối với các ông lớn như Microsoft, Nvidia.
Có một câu nói phổ biến, “Mỹ đổi mới, Trung Quốc cải tiến”. Hoặc, dưới góc nhìn kém thiện cảm hơn là “Trung Quốc sao chép”. Quan điểm này chi phối nhiều cuộc thảo luận về sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có nhiều định kiến cho rằng, Mỹ là nơi sản sinh ra những đột phá công nghệ, trong khi Trung Quốc chỉ tận dụng và phát triển các ý tưởng đó để tạo ra phiên bản rẻ hơn, và có thể kém chất lượng hơn.

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), quan điểm này từng có vẻ đúng, khi các công ty Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bắt kịp những gã khổng lồ công nghệ Mỹ với nguồn tài chính dồi dào và đội ngũ nhân tài hùng hậu. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, một startup Trung Quốc đã phá vỡ định kiến đó.
DeepSeek, một công ty có trụ sở tại Hàng Châu, không thực sự là một công ty công nghệ theo nghĩa truyền thống. Thực chất, đây là một nhánh của quỹ đầu tư High-Flyer. Tuy nhiên, startup này đã làm nên kỳ tích khi ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) R1 với khả năng “lập luận” ngang tầm với o1 của OpenAI, vốn chỉ mới ra mắt vài tháng trước đó.
Không chỉ gây bất ngờ về chất lượng, R1 còn khiến giới công nghệ sửng sốt về chi phí. Theo DeepSeek, lần huấn luyện cuối cùng của phiên bản trước đó, V3, chỉ tốn vỏn vẹn 6 triệu USD, một con số “không tưởng” so với hàng trăm triệu USD mà các công ty Mỹ bỏ ra. Cựu nhà khoa học AI của Tesla, Andrej Karpathy, đã gọi đây là “một trò đùa” khi so sánh với mức chi phí khổng lồ của các đối thủ phương Tây.
Tin tức về R1 lập tức gây chấn động. Khi R1 nhanh chóng trở thành một trong những mô hình được tải về nhiều nhất, các nhà đầu tư hoảng loạn, khiến hơn 1.000 tỷ USD bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của các cổ phiếu công nghệ như Nvidia và Microsoft.
Ngay cả CEO của OpenAI, Sam Altman, cũng công khai bày tỏ lo lắng, thậm chí cân nhắc chuyển đổi sang mô hình mã nguồn mở mà DeepSeek đã làm từ đầu để giảm chi phí sử dụng.
Giáo sư Jeffrey Ding của Đại học George Washington nhận xét: “Nhiều người trong chúng ta, bao gồm cả tôi, đã đánh giá sai về khả năng đột phá của Trung Quốc trong lĩnh vực AI”.
Sự trỗi dậy của AI Trung Quốc
Trong khi Mỹ lo lắng thì Trung Quốc lại vui mừng. Nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng đã có được một chỗ ngồi đáng chú ý tại một cuộc họp vào tháng 2 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân, cùng với những người nổi tiếng như nhà sáng lập Alibaba Jack Ma và nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei.
Các công ty lớn của Trung Quốc như nhà sản xuất xe điện BYD và nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea đang nhanh chóng tích hợp mô hình của DeepSeek vào các sản phẩm của riêng họ.
Đây là một cú hích lạc quan tại Trung Quốc. Paul Triolo, giám đốc chính sách công nghệ tại công ty tư vấn DGA–Albright Stonebridge Group, cho biết: "DeepSeek có thể một mình khởi động nền kinh tế theo cách mà chính phủ không bao giờ có thể nghĩ ra cách thực hiện".
Trung Quốc không chỉ có DeepSeek. Các công ty lớn như Alibaba và ByteDance đang ra mắt những mô hình AI có khả năng vượt trội so với sản phẩm phương Tây trong một số bài kiểm tra lập luận. Ngoài ra, làn sóng startup AI mới, đang đưa AI vào ứng dụng thực tiễn qua các ứng dụng di động, trợ lý ảo và robot.
Dòng tiền đầu tư cũng đang đổ mạnh vào cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Chỉ số công nghệ Hang Seng đã tăng 35% từ đầu năm, dẫn đầu bởi các mã cổ phiếu như Alibaba, Kuaishou (cha đẻ của mô hình AI chuyển văn bản thành video Kling) và SMIC – nhà sản xuất chip chủ chốt của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của AI Trung Quốc cũng không phải điều quá bất ngờ với những người quan sát lâu năm. Trung Quốc từng sử dụng chiến lược “người theo sau nhanh” để đạt được hoặc thậm chí vượt qua phương Tây trong nhiều lĩnh vực: từ pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió, xe điện đến pin lithium. Và giờ đây, AI có thể là lĩnh vực tiếp theo.
Dù một số giám đốc điều hành phương Tây quy thành công của Trung Quốc cho trợ cấp chính phủ, ăn cắp sở hữu trí tuệ và vi phạm lệnh hạn chế xuất khẩu, nhưng thực tế là quốc gia này có những lợi thế bền vững: cơ sở sản xuất khổng lồ, đội ngũ nhân tài hùng hậu và một chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đắc lực.
Nhà kinh tế học Keyu Jin nhận định, “Trung Quốc tập trung vào giải quyết vấn đề thực tiễn, thay vì tìm kiếm những đột phá mang tính hệ thống như Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này giúp Trung Quốc sản xuất hàng loạt công nghệ với mức giá phải chăng, ngay cả khi chúng đạt đến trình độ tiên tiến”.
Sự hồi sinh bất ngờ của AI Trung Quốc
Hai năm trước, có vẻ như Trung Quốc đang tụt lại phía sau trong cuộc đua AI. Năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt lĩnh vực công nghệ, làm giảm dòng vốn đầu tư và hạn chế các đợt IPO của công ty công nghệ Trung Quốc.
Khi OpenAI ra mắt ChatGPT năm 2022, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên rõ rệt, đặc biệt khi các mô hình ngôn ngữ Trung Quốc vẫn kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Các công ty Trung Quốc tối ưu hóa mô hình AI theo hướng nhỏ gọn và hiệu quả hơn. Sự bùng nổ của các startup AI cũng góp phần vào sự trỗi dậy này, với Hàng Châu, quê hương của Alibaba, trở thành trung tâm đổi mới.

Một yếu tố quan trọng giúp AI Trung Quốc bắt kịp là quy mô thị trường nội địa khổng lồ. Chẳng hạn, khi Tencent tích hợp mô hình của DeepSeek vào WeChat, nó ngay lập tức tiếp cận hơn 1 tỷ người dùng. Chính phủ Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển thông qua chính sách và hỗ trợ tài chính.
Một yếu tố quan trọng giúp AI Trung Quốc bắt kịp là quy mô thị trường nội địa khổng lồ. Chẳng hạn, khi Tencent tích hợp mô hình của DeepSeek vào WeChat, nó ngay lập tức tiếp cận hơn 1 tỷ người dùng. Chính phủ Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển thông qua chính sách và hỗ trợ tài chính.
Một nghịch lý là các lệnh kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ có thể đã thúc đẩy Trung Quốc đổi mới nhanh hơn. Khi không thể mua chip tiên tiến từ Nvidia, các công ty Trung Quốc buộc phải tập trung phát triển chip nội địa.
Huawei hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này với dòng chip Ascend AI, dù chưa mạnh bằng Nvidia nhưng đủ để vận hành các mô hình AI như của DeepSeek.
Tuy nhiên, thành công của DeepSeek không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thống trị AI như cách họ làm với xe điện hay pin mặt trời. Các startup công nghệ Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về tài chính. Thị trường vốn của Trung Quốc chưa phát triển mạnh, và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui do căng thẳng địa chính trị.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia trị giá 1.000 tỷ NDT (138 tỷ USD) để hỗ trợ công nghệ. Nhưng quan trọng hơn, AI Trung Quốc có thể không cần nguồn vốn khổng lồ như phương Tây. Chiến lược mã nguồn mở giúp giảm chi phí và mở rộng ứng dụng thực tiễn.
Dù AI Trung Quốc có thể khó xâm nhập vào Mỹ do chính sách bảo hộ, nhưng nó có thể chiếm lĩnh các thị trường mới nổi, những nơi ưu tiên công nghệ “đủ tốt” với chi phí hợp lý hơn là công nghệ đắt đỏ.
Giống như cách Trung Quốc thống lĩnh thị trường pin mặt trời, xe điện giá rẻ và điện thoại thông minh, các công ty như DeepSeek và Alibaba có thể giúp AI Trung Quốc lan rộng toàn cầu, không phải vì nó là công nghệ tốt nhất, mà vì nó là công nghệ phù hợp nhất.
Theo Fortune
>> Trung Quốc bơm gần 70 tỷ USD vào 4 ngân hàng lớn: Tín hiệu gì cho thị trường?