Bốn ông lớn ngân hàng Trung Quốc báo động đỏ: Nợ xấu vượt 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận chạm đáy, Bắc Kinh ra tay giải cứu
Hệ thống ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang đối mặt với loạt thách thức nghiêm trọng từ nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm đến nhu cầu tín dụng yếu, buộc Chính phủ phải tung ra gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn.
Nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận lãi suất suy giảm và tín dụng tiêu dùng chững lại tại các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc trong năm 2024, cho thấy những thách thức ngày càng lớn đối với hệ thống tài chính trước thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị bơm 500 tỷ nhân dân tệ (69 tỷ USD) vào khu vực ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính thường niên vừa công bố, tổng nợ xấu của Nhóm 4 ngân hàng lớn nhất – Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Trung Quốc (BoC) – đã tăng lên 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2024, tăng thêm 82 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với các khoản vay doanh nghiệp, các khoản vay tiêu dùng – bao gồm thế chấp và nợ thẻ tín dụng – lại nổi lên như một rủi ro đáng lo ngại. Tại ICBC, nợ xấu cá nhân tăng tới 69% so với năm trước; con số này tại ABC và CCB lần lượt là 54% và 53%. Trong khi đó, nợ xấu doanh nghiệp lại có xu hướng giảm.
Biên lãi suất ròng (NIM) – chỉ số thể hiện mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động – tiếp tục chịu áp lực khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm thêm lãi suất để đối phó với nguy cơ giảm phát.
“Tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại đang đặt ra những câu hỏi lớn", Chủ tịch ICBC Liu Jun phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông. “Một môi trường NIM thấp như hiện nay đang tạo áp lực lớn lên bảng cân đối kế toán, nhất là với quy mô như của chúng tôi”.

Mặc dù tổng nợ xấu tăng, tỷ lệ nợ xấu (NPL) trên tổng dư nợ tại bốn ngân hàng quốc doanh lớn vẫn duy trì mức ổn định, dao động từ 1,25% đến 1,34%. Tuy nhiên, tại Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc – một trong sáu ngân hàng nhà nước lớn – tỷ lệ này đã tăng 0,07 điểm phần trăm, đạt 0,9%. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Ngân hàng Truyền thông.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã chuyển giao các khoản nợ khó đòi sang các công ty quản lý tài sản nhà nước. China Cinda Asset Management – một trong những tổ chức xử lý nợ xấu lớn nhất – cho biết đã mua lại 6,6 tỷ nhân dân tệ tài sản gặp khó khăn từ các tổ chức tài chính trong năm 2024. Dù vậy, ban lãnh đạo công ty từ chối tiếp cận truyền thông tại cuộc họp phân tích kết quả tài chính tổ chức hôm thứ Tư ở Hồng Kông.
Biên lợi nhuận lãi suất tiếp tục chịu sức ép
Biên độ lãi suất ròng (NIM) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023 khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất và lãi vay thế chấp. NIM của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã giảm mạnh từ 2,2% năm 2020 xuống còn 1,42% vào năm ngoái.
Dự báo cho năm 2025, nhiều lãnh đạo ngân hàng tỏ ra thận trọng. “Ngân hàng Trung ương đã tuyên bố sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất ‘kịp thời’,” ông Sheng Liurong – Giám đốc tài chính của CCB – cho biết trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh tối thứ Sáu, kết nối trực tuyến với Hồng Kông. “NIM của chúng tôi sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm nhất định.”
Tại ICBC, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Yao Mingde đồng tình: “Xu hướng giảm của NIM là xu hướng chung trong toàn ngành.” Tuy vậy, cả ông Yao và ông Sheng đều bày tỏ kỳ vọng sự suy giảm sẽ chậm lại trong năm nay.
Tín dụng tiêu dùng tiếp tục trì trệ
Bất chấp việc lãi suất vay đang thấp, tăng trưởng tín dụng cá nhân vẫn chậm. Dư nợ thế chấp chưa thanh toán tại Ngân hàng Trung Quốc vào cuối tháng 12 chỉ đạt 4,09 nghìn tỷ nhân dân tệ, giảm 2% so với một năm trước.
Phó Chủ tịch Zhang Hui nhận định: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện nay là sự chuyển dịch của tăng trưởng tín dụng từ phía cung sang phía cầu.” Ông cũng lưu ý rằng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng về lãi suất ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, việc cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) – lãi suất tham chiếu cho vay và thế chấp doanh nghiệp – nếu được thực hiện, cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản. Dù LPR chưa thay đổi kể từ tháng 11, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng gần đây đã tái khẳng định cam kết sẽ cắt giảm lãi suất “vào thời điểm phù hợp”.
Các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục chịu sức ép sau khi chính phủ siết chặt quy định đối với lĩnh vực bất động sản từ năm 2020. Giá nhà lao dốc cùng với triển vọng việc làm ảm đạm và niềm tin tiêu dùng sụt giảm – vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt phong tỏa do đại dịch vào năm 2022 – đã làm giảm nhu cầu vay cá nhân.
Theo Jason Bedford, nhà phân tích độc lập tại Singapore, các khoản vay cá nhân từng chiếm tới hai phần ba mức tăng ròng trong dư nợ ngân hàng năm 2016, nhưng đến năm 2023, tỷ trọng này giảm xuống dưới 1%. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy tín dụng tiêu dùng tiếp tục yếu khi giá nhà giảm. Trong tháng 2, dư nợ vay cá nhân giảm 389 tỷ nhân dân tệ – mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 tháng – trong khi vay doanh nghiệp tăng thêm 1,04 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Bất chấp những thách thức, bốn ngân hàng lớn vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 2% trong năm 2024, đạt tổng cộng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ. Mức tăng này chủ yếu đến từ lợi nhuận đầu tư chứng khoán và sự giảm bớt trong tổn thất suy giảm giá trị tài sản.
Tại kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đầu tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã công bố gói kích thích mới, trong đó bao gồm kế hoạch phát hành 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt. Mục tiêu là nhằm tăng tỷ lệ vốn cấp 1 cốt lõi (CET1) của các ngân hàng quốc doanh, từ đó hỗ trợ hệ thống tài chính và tăng khả năng phục vụ nền kinh tế thực.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) Ji Zhihong khẳng định ngân hàng sẽ hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn trái phiếu chính phủ được phát hành ở cả cấp trung ương và địa phương. “Là một nhà đầu tư và bảo lãnh chính, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp để thúc đẩy chính sách tài khóa,” ông nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng trái phiếu chính phủ vẫn là "khoản đầu tư cốt lõi" trong danh mục của ngân hàng.
Theo các chuyên gia tại Fitch Ratings, việc bơm vốn cho thấy chính phủ Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào các ngân hàng quốc doanh để triển khai chính sách tài chính và tiền tệ. “Động thái này phản ánh mức độ sẵn sàng rất cao của chính quyền trung ương trong việc hỗ trợ các ngân hàng nhà nước,” báo cáo của Fitch viết.
Tín dụng doanh nghiệp tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Trung Quốc, ông Zhang Xiaodong, cho biết dư nợ cho vay trong nước bằng đồng nhân dân tệ năm nay được kỳ vọng sẽ “duy trì ổn định, với xu hướng tăng nhẹ.” Ông cho biết các khoản vay doanh nghiệp vẫn sẽ là động lực chính, đồng thời ngân hàng sẽ nỗ lực thúc đẩy tín dụng tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện hơn.
Mặc dù thị trường chung còn nhiều bất ổn, cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh đã phục hồi sau đợt công bố chính sách kích thích hồi cuối tháng 9 và duy trì trạng thái ổn định trong những tháng gần đây. Tập đoàn bảo hiểm Ping An – một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn nhất Trung Quốc – cho biết họ đang nắm giữ “một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng nhà nước.” Đồng Giám đốc điều hành Michael Guo chia sẻ thông tin này trong buổi họp báo gần đây với giới truyền thông.
Tham khảo Nikkei Asia
>> Trung Quốc tung kế hoạch 30 điểm, tìm lối thoát giữa ‘khủng hoảng thừa’