1 doanh nghiệp lỗ 121 tỷ đồng sau kiểm toán bán niên, cổ phiếu còn giá 1.000 đồng
Doanh nghiệp này hiện có cả nghìn tỷ đồng nợ gốc và lãi ngân hàng đã quá hạn thanh toán nhiều năm. BIDV là chủ nợ lớn nhất.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Mã FTM - UPCoM) công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 với doanh thu doanh thu thuần đạt 93,5 tỷ đồng - giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 1,4 tỷ.
Gánh nặng chi phí lãi vay gần 51 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 3 lần lên mức 30,8 tỷ và hơn 39 tỷ đồng khoản lỗ khác khiến Đức Quân lỗ sau thế bán niên 2023 gần 121 tỷ đồng - tăng 32% so với cùng kỳ.
Trước đó ghi nhận tại báo cáo tài chính tự lập quý 2, FTM đạt 114 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 91,2 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, doanh thu công ty giảm hơn 20 tỷ đồng trong khi tăng lô thêm 30 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Đức Quân giảm về mức 926 tỷ đồng trong đó đáng chú ý nhất là khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn 291,2 tỷ đồng (tăng 22 tỷ so với đầu năm).
Nợ phải trả của công ty tăng lên mức 1.431 tỷ đồng (94% là nợ ngắn hạn) trong đó 784 tỷ là vay nợ tài chính. BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của FTM với khoản cho vay gần 520 tỷ đồng. Các khoản vay này đã quá hạn thanh toán gốc từ tháng 9/2020.
Khoản lỗ lũy kế tăng lên 1.015 tỷ khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm 505,5 tỷ đồng (đầu năm âm 384,5 tỷ).
Tại báo cáo kiểm toán, Kiểm toán đã từ chối đưa ra kết luận khi không thể thu thập đủ thông tin về một số khoản ứng trước cho CTCP Đầu tư 3GR mua bông, khoảng mục tồn kho chậm luận chuyển,...
Công ty Kiểm toán MOORE AISC nhấn mạnh các khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán của Đức Quân hiện là 704,4 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn gần 562 tỷ đồng.
Trước đó, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Đầu tư và Phát triển Đức Quân cũng ghi nhận khoản lỗ tăng gấp 2,33 lần so với báo cáo tự lập.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế âm 473 tỷ - gấp 2,1 lần năm 2021 (năm lỗ ròng thứ 4 liên tiếp). Tại báo cáo tài chính tự lập, lỗ ròng năm 2022 của FTM chỉ ở mức 203,3 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng nêu giả định về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp thương mại này.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân thành lập năm 2006, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dệt may, xây dựng công trình dân dụng,...
Ông Lê Mạnh Thường hiện là Chủ tịch HĐQT công ty. Bản thân vị lãnh đạo từng bị xử phạt về hành vi thao túng giá cổ phiếu công ty năm 2019 khi cùng với bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản giao dịch để tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu FTM.
Chủ tịch HĐQT Phát triển Đức Quân - Lê Mạnh Thường |
Giai đoạn cuối năm 2019, cổ phiếu FTM bất ngờ ghi nhận chuỗi giảm sàn hàng chục phiênkéo thị giá từ mức gần 24.000 đồng/cp lao về khoảng 3.000 đồng. Tại thời điểm đó, đã có 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin cổ phiếu FTM.
Việc kinh doanh thua lỗ 4 năm liên tiếp khiến cổ phiếu FTM bị hủy niêm yết trên HOSE ngày 16/5/2022. Đến ngày 7/4/2023, 50 triệu cổ phiếu Đức Quân bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Mã hiện đứng giá 1.000 đồng/cp.
Xem thêm: Vì sao chỉ có 4,5 triệu cổ phiếu VinFast (VFS) giao dịch tự do trên sàn Nasdaq?
Ngân hàng rao bán 27 ô tô với giá siêu rẻ: Khởi điểm chỉ 60 triệu đồng/chiếc
BIDV rao bán loạt xe ô tô hiệu KIA, THACO, giá khởi điểm chỉ từ 60 triệu đồng