10 kiệt tác quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam khiến thế giới ngưỡng mộ, vũ khí số một ai cũng biết

17-03-2024 09:20|Nam Trần

Đây đều là những sản phẩm quân sự có một không hai trong lịch sử thế giới.

1. Nỏ Liên Châu

Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ kể rằng, vua An Dương Vương có Nỏ thần, bắn một lúc nhiều mũi tên ở khoảng cách rất xa và chỉ vài lần bắn là quân Triệu Đà có đông đến hàng vạn cũng phải tan tành rồi bỏ chạy. Chính sử sách Trung Quốc như quyển "Thái Bình hoàn vũ ký" cũng ghi chép rằng: “Nỏ thần bắn một phát giết hàng vạn người, bắn ra 3 phát giết đến 3 vạn”.

Mô phỏng Nỏ Liên Châu

Mô phỏng Nỏ Liên Châu

Nỏ Liên Châu là thứ vũ khí do tướng quân Cao Lỗ chế tạo dưới thời Thục Phán An Dương Vương nhà nước Âu Lạc, đặt tên là "Linh Quang Kim Quy Thần Cơ". Nỏ có khả năng bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn, đầu mũi tên có 3 cạnh làm tăng tiết diện vết thương, khiến vết thương chảy máu nhiều, khó lành.

2. Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là một trong những công trình phòng thủ vĩ đại nhất trong lịch sử người Việt cổ. Được xây dựng dưới thời vua An Dương Vương của Nhà nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc vì thế từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa

Theo như các thư tịch cổ mô tả “Thành Cổ Loa rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành…”. Ngoài ra thư tịch cổ Trung Hoa còn chép rằng: “Thành Cổ Loa có chín vòng, hình con ốc”. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả của các cuộc khai quật thì cấu trúc Thành Cổ Loa chỉ còn 3 vòng gồm: Thành Nội, thành Trung và thành Ngoại.

Bên ngoài các vòng thành đều có hào nước thông với sông Hoàng Giang. Mặc dù bị Triệu Đà của phương Bắc tấn công nhiều lần nhưng Thành Cổ Loa vẫn giữ không hề bị ảnh hưởng. Cho đến khi gặp phải mưu kế thâm độc của Triệu Đà, thành lũy mới chính thức sụp đổ.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thành Cổ Loa hiện chỉ còn tồn tại trên các văn thư và các di chỉ khảo cổ cùng một vài đền đài. Thành lũy của An Dương Vương nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

3. Phòng tuyến sông Như Nguyệt

Phòng tuyến sông Như Nguyệt là một công trình quân sự lớn của quân và dân nhà Lý. Vào thế kỷ 11, trong cuộc chiến chống quân Tống, Lý Thường Kiệt đã biến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) thành một phòng tuyến quân sự có vị trí mang tính chiến lược. Theo sử sách, chiến lũy của phòng tuyến được xây bằng đất có đóng cọc tre dày nhiều tầng làm phên dậu. Bên dưới bãi sông được bố trí hố chông ngầm.

Phòng tuyến sông Như Nguyệt là một công trình quân sự lớn của quân và dân nhà Lý

Phòng tuyến sông Như Nguyệt là một công trình quân sự lớn của quân và dân nhà Lý

Quân Lý đóng trại trên suốt chiến tuyến, có thêm thủy binh phối hợp tạo nên một tuyến phòng thủ vô cùng hùng hậu, chắc chắn. Mặc dù quân Tống đã nghĩ ra không ít mưu kế để công phá phòng tuyến Như Nguyệt nhưng đều thất bại.

4. Bãi cọc gỗ

Nhắc đến trận chiến trên sông Bạch Đằng, người dân Việt Nam đều phải bày tỏ sự thán phục trước bãi cọc gỗ - thứ vũ khí huyền thoại. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng.

Cọc gỗ trong trận Bạch Đằng năm 1288

Cọc gỗ trong trận Bạch Đằng năm 1288

Năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quân khiêu chiến, nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.

Năm 981, Lê Hoàn theo cách đánh của Ngô Vương Quyền, sai quân sĩ đóng cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên - Mông.

5. Súng "Thần cơ"

Vào thời nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng đã tạo ra súng “Thần cơ”. Được đánh giá là một phát minh lớn về vũ khí của lịch sử dân tộc Việt Nam. Súng "Thần cơ" có đầy đủ các bộ phận như súng thần công sau này, gồm hai loại, loại nhỏ là súng cầm tay dùng cho bộ binh, có tầm bắn xa 700m. Loại lớn đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo cơ động.

Súng

Súng "Thần cơ"

"Thần cơ" là kết quả nghiên cứu, phát minh về thuốc súng, về kỹ thuật luyện kim và thiết kế chế tạo. Chắc chắn rằng, những kinh nghiệm của người Việt trong nghề đúc đồng và chế tạo vũ khí đã được Hồ Nguyên Trừng tiếp thu học hỏi và phát triển lên tầm cao mới. Sau khi nhà Hồ thua trận trước quân Minh, vua nhà Minh đã bắt Hồ Nguyên Trừng về dạy cách chế súng “Thần cơ” để trang bị cho quân đội của mình.

6. Thuyền đinh sắt

Không chỉ tạo ra kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta, Hồ Nguyên Trừng còn sáng chế ra thuyền Cổ lâu - một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo.

Đáng nói, phần đáy thuyền đã được làm thêm một đáy, chia bụng thuyền làm hai phần. Cụ thể, phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị súng "Thần cơ" đầy uy lực.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Sử sách chép rằng, Việt Nam là một trong những nước có thuyền lầu sớm trên thế giới, được khắc trên trống đồng Đông Sơn, kèm theo hình ảnh người lính luôn sẵn sàng chiến đấu với cung nỏ trên tay. Tới thế kỷ 19, theo ý nghĩa hình khắc trên cửu đỉnh của triều Nguyễn, thì lâu thuyền được chọn như một loại thuyền chiến tiêu biểu cho thủy quân.

7. Chiến hạm Định Quốc

Để đối phó lại những chiến thuyền phương Tây, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cho đóng những chiến hạm Định Quốc với sức tàn phá tương đương. Theo những tài liệu còn sót lại, các chiến hạm có sự kết hợp kỹ thuật phương Tây và tay nghề của thợ đóng thuyền Đàng Trong vì thế Định Quốc có quy mô không thua kém các tàu chiến tuyến thuộc biên chế của các lực lượng hải quân ở châu Âu thời bấy giờ.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Tại thời điểm xảy ra chiến tranh, các chiến hạm trở thành những pháo đài di động trên biển với khả năng chở voi chiến và trang bị 50 - 60 khẩu đại bác hạng nặng. Vào thời điểm cao trào, thủy quân Tây Sơn có gần 20 “pháo đài” như vậy.

8. Voi

Vào thời Tây Sơn, voi được xem là loại "vũ khí" lợi hại, đánh bại vô số quân giặc. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sử dụng voi thành lực lượng hỏa lực cơ động, mang theo đại bác và hỏa pháo trên lưng, thực hiện nhiệm vụ như một phương tiện đột kích đáng sợ.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Năm 1789, lực lượng này đã góp công lớn trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa đánh bại quân Thanh. Đây là chiến thắng được người dân Việt Nam hết mực thán phục.

9. Đường Trường Sơn huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh được đánh giá là tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu cung cấp binh lực và vật chất hậu cần, vũ khí trang bị để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam trên chiến trường miền Nam Việt Nam, liên tục trong suốt 16 năm (1959–1975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Con đường Trường Sơn huyền thoại

Con đường Trường Sơn huyền thoại

Tại thời điểm chiến tranh, quân Mỹ - Sài Gòn đã cố gắng đánh phá bằng loạt chiến dịch bộ binh, không quân. Thậm chí, chúng còn rải chất độc màu da cam để làm trụi lá cây, dùng chiến tranh hóa học tạo mưa và bùn để phá đường nhưng đều bất thành.

10. Địa đạo Củ Chi

Vào thời kỳ chống Mỹ, các chiến sĩ giải phóng đã xây dựng Địa đạo Củ Chi (cuối đường mòn Hồ Chí Minh) - một hệ thống phòng thủ trong lòng đất. Địa đạo có chiều dài tổng 200km với 3 tầng sâu khác nhau, chiều sâu từ 3m đến 12m.

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi

Tại đây có nhiều phòng chức năng để đảm bảo mọi hoạt động sống trong lòng đất. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, dài khoảng 250km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây.

Để đảm bảo an toàn, các chiến sĩ đã chuẩn bị rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông. Cũng vì vậy mà khi bị quân Mỹ - Sài Gòn liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo đều thất bại.

>> Vị Tư lệnh tài ba được mệnh danh là ‘cánh đại bàng’ của chiến trường Trường Sơn huyền thoại, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam khi chỉ mới 16 tuổi

Khai quật phế tích trên ngọn núi thiêng từng có rồng xuất hiện, bảo vật nghìn năm tuổi từ thời nhà Lý lộ diện

Tuyến đường ngang linh thiêng nhất Trường Sơn huyền thoại: Hứng chịu hơn 17.000 tấn bom, bị B-52 và máy bay cường kích đánh liên tục

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/10-kiet-tac-quan-su-vi-dai-nhat-trong-lich-su-viet-nam-khien-the-gioi-nguong-mo-vu-khi-so-mot-ai-cung-biet-d118186.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    10 kiệt tác quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam khiến thế giới ngưỡng mộ, vũ khí số một ai cũng biết
    POWERED BY ONECMS & INTECH